Hơn 1,8 triệu cổ phiếu FIR “bốc hơi” đi đâu?

Chưa đầy một tháng lên sàn HoSE, cổ phiếu FIR của CTCP Địa ốc First Real đã gây ngạc nhiên về tốc độ tăng giá “phi mã” tới… 200%. Công ty này đang chuẩn bị phát hành cổ phần tăng vốn gấp đôi dù hành t
Hơn 1,8 triệu cổ phiếu FIR “bốc hơi” đi đâu?

First Real muốn phát hành 17 triệu cổ phần để huy động vốn đầu tư vào dự án của Tập đoàn Trường Thịnh

Cổ phiếu FIR tăng... 200% trước đợt phát hành

Ngày 13/11/2018, Hội đồng quản trị First Real đã ban hành Nghị quyết số 1311/2018/FIR/NQ-HĐQT thông qua hồ sơ chào bán 17 triệu cổ phiếu để nâng vốn từ 130 tỷ đồng hiện tại lên 300 tỷ đồng.

Theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 6/2018 thông qua, trong năm 2018, First Real sẽ phát hành 13 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) và chào bán riêng lẻ 4 triệu cổ phần cho nhà đầu tư. Nếu phát hành thành công, First Real dự kiến thu về 170 tỷ đồng để đầu tư vào 2 dự án bất động sản hợp tác kinh doanh với Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh.

Danh sách người mua 4 triệu cổ phần riêng lẻ được thông qua mới đây gồm 4 cá nhân: Thân Hà Nhất Thống, Nguyễn Đức Toàn, Lê Thanh Tơ, Đỗ Thị Ngọc Dung với mỗi người mua 1 triệu cổ phiếu FIR, tương ứng tỷ lệ 7,69% vốn điều lệ công ty.

Trong hai đợt phát hành này, First Real đưa ra mức giá bán cổ phần rất hấp dẫn chỉ là 10.000 đồng/CP, thấp hơn 29,5% so với giá trị sổ sách cổ phiếu FIR tại ngày 31/3/2018 là 12.950 đồng/CP.

Mức giá phát hành 10.000 đồng/CP này cũng chỉ bằng 27% so với thị giá FIR trên sàn hiện tại là 36.700 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 16/11/2018).

Hơn 1,8 triệu cổ phiếu FIR “bốc hơi” đi đâu? ảnh 1Nguồn: Tờ trình phát hành cổ phần của First Real ngày 13/11/2018

 Điều lạ là ngay trước khi First Real công bố hồ sơ phát hành 17 triệu cổ phần tăng vốn, giá cổ phiếu FIR trên sàn HoSE đã tăng trần 13 phiên liên tiếp với tổng mức tăng 200%, đạt đỉnh 36.750 đồng/CP. Từ mức giá cao ngất này, giả sử công ty phát hành tăng vốn thêm 130% thì giá cổ phiếu FIR sau khi bị pha loãng vẫn cao gấp đôi giá phát hành cho các cổ đông. Điều này đặt ra nghi vấn liệu rằng cổ phiếu FIR có đang bị “làm giá” đẩy lên quá cao để lôi cuốn dòng tiền đầu tư, “xả” giấy nhằm hưởng lợi chênh lệch giá hay không?

Hiện, lãnh đạo First Real chưa lên tiếng trước diễn biến bất thường của cổ phiếu FIR thời gian qua.

Việc First Real niêm yết và phát hành tăng vốn là hoạt động huy động vốn bình thường, song hành trình tăng vốn “chóng vánh” của công ty này thời gian qua đang khiến thị trường chú ý. Từ một công ty môi giới tại Đà Nẵng, ra đời tháng 9/2014 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đến nay First Real đã tăng vốn gấp 65 lần lên mức 130 tỷ đồng.

Nhu cầu tăng vốn lớn của First Real được giải thích là do hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực, chủ yếu làm môi giới bán đất nền, đầu tư mua bán lại đất nền… Doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2017-2018 lần lượt là 167,9 tỷ đồng và 98 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối tháng 9/2018 đạt 530 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngày 24/5/2018 First Real đã kí hợp đồng hợp tác kinh doanh vào các dự án của Tập đoàn Trường Thịnh với giá trị đầu tư của FIR là 330 tỷ đồng. Cụ thể, dự án Khu đô thị nhà ở thương mại Trường Thịnh và dự án khu nhà ở thương mại Mỹ Cảnh (TP Đồng Hới, Quảng Bình). Dự kiến việc giải ngân thực hiện vào quý 4/2018 do đó First Real cần phải tăng vốn gấp.

Với sự “hậu thuẫn” của Tập đoàn Trường Thịnh, First Real cũng kỳ vọng sẽ có được sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng trong năm 2018-2019.

Mập mờ số liệu góp vốn?

Không chỉ gây “sốc” giá cổ phiếu, quá trình tăng vốn của “bé hạt tiêu” First Real đang có điểm khó hiểu về số liệu cổ phần, nguồn tiền tăng vốn của các cổ đông có thực chất hay góp vốn “ảo”?

Khi tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính của First Real cho kỳ tài chính từ 01/1/2017 đến 30/9/2017, Công ty kiểm toán – Tư vấn Đất Việt cho biết đã phát hành Báo cáo kiểm toán thay thế cho báo cáo phát hành vào ngày 25/1/2018. Trong các điểm cần nhấn mạnh về Thuyết minh báo cáo tài chính của First Real, công ty kiểm toán nhấn mạnh “lưu ý người đọc về Thuyết minh V.13 về tình hình tăng vốn và sử dụng vốn của công ty”.

Ở Thuyết minh V.13 của Báo cáo tài chính 2017 (đã được kiểm toán) ghi nhận: sau khi phát hành đợt 1 tăng vốn lên 20 tỷ đồng thì tổng số cổ phần phổ thông First Real tại thời điểm 01/1/2017 là 2.000.000 cổ phần. Trong đó, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Hào Hiệp sở hữu 75%, tương ứng 1.500.000 cổ phần, bà Ngô Thị Hà Ny nắm 10% (200.000 cổ phần), 3 cổ đông lớn khác nắm 5% mỗi người…

Nhưng Bản cáo bạch niêm yết của First Real công bố ngày 11/10/2018 cho biết đợt 1 công ty đã phát hành 3.600.000 cổ phần, tương ứng giá trị vốn tăng thêm 18 tỷ đồng (do mức giá phát hành ưu đãi là 5.000 đồng/CP chỉ bằng 50% mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/CP).

Hơn 1,8 triệu cổ phiếu FIR “bốc hơi” đi đâu? ảnh 2Nguồn: Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu FIR ngày 11/10/2018

Đối chiếu 2 tài liệu này có sự “vênh” số liệu cổ phần khi 1.800.000 cổ phần được phát hành đợt 1 đã “bốc hơi” đi đâu?

Hơn nữa, căn cứ theo các tài liệu (Bản cáo bạch, báo cáo tài chính kiểm toán) thì trong đợt 1 First Real chỉ phát hành 1.800.000 cổ phần. Với giá phát hành 5.000 đồng/CP, tổng số tiền tăng vốn đợt 1 chỉ là 9 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ còn 9 tỷ đồng là “thặng dư cổ phần âm” của đợt 1 phát hành này đã được First Real xử lý ra sao mà công ty vẫn công bố góp đủ 18 tỷ đồng để tăng vốn sau đó?

Đến tháng 4/2017 First Real tiếp tục phát hành 11 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ lên 130 tỷ đồng và mới đây đã niêm yết toàn bộ 13 triệu cổ phần lên HoSE.

Thương Gia Online đã liên hệ với ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó TGĐ HoSE để hỏi về việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ niêm yết lên sàn của First Real. Trong đó có đề cập tới sự “vênh” số liệu cổ phần đã phát hành trong các tài liệu, báo cáo mà First Real gửi lên Sở cũng như công bố công khai ra thị trường trước và sau khi niêm yết cổ phiếu FIR lên HoSE.

Đến thời điểm hiện tại, đại diện Bộ phận truyền thông HoSE vẫn chưa phản hồi về điểm bất thường này cũng như quá trình đánh giá, thẩm định hồ sơ niêm yết cổ phiếu của First Real.

Trong khi những điểm “vênh” số liệu trên các báo cáo, tài liệu chưa được First Real và HoSE làm sáng tỏ thì liệu cơ quan quản lý có xem xét, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ đăng kí phát hành 17 triệu cổ phần FIR ra thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư?

>> First Real (FIR): Lợi nhuận sau thuế năm tài chính 2017 - 2018 gấp 4,98 lần năm trước

Có thể bạn quan tâm

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Nhiều doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này giúp họ thu về khoản lãi tiền gửi lớn, con số tương đương với lợi nhuận ròng cả năm mà nhiều doanh nghiệp khác phải nỗ lực đạt được...

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Hai trong ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi điểm nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ và các nhà đầu tư háo hức chờ đợi báo cáo tài chính từ Nvidia. Trong khi đó, cổ phiếu Walmart cũng tăng mạnh sau khi nhà bán lẻ nâng dự báo doanh thu hàng năm…

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...