Trong đó, số lao động bị mất việc là 53.674 người, chiếm 8,4%; số phải giảm giờ làm trên 359.087 người, chiếm 56,3%, trong đó chủ yếu là làm thêm giờ và giảm giờ làm bình thường; số phải tạm ngừng việc có trả lương là 22.679 người, chiếm 4%; số tạm hoãn hợp đồng lao động là 35.081 người, chiếm 5,5 %; số còn lại, doanh nghiệp sắp xếp theo một số hình thức khác (nghỉ phép năm, kéo dài thời gian nghỉ Tết...).
Nguyên nhân của việc cắt, giảm lao động trên là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), phải cắt giảm việc làm. Trong đó, 65,3% doanh nghiệp FDI, còn lại là dân doanh.
Có 60% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Nam; 24% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Bắc; 16% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung đã bị cắt giảm đơn hàng. Tập trung ở các ngành nghề: dệt may; da giày; chế biến gỗ; cơ khí công nghiệp phụ trợ...
Chỉ riêng 3 tháng cuối năm 2022, cả nước có 117.000 lao động bị thôi việc, mất việc, trong đó, 68% là lao động phổ thông và 85% trong số họ làm việc ở ngành dệt may, da giày và sản xuất linh kiện điện tử.
Đáng chú ý, tình trạng lao động thất nghiệp tăng lại trái ngược với tình trạng số lượng doanh nghiệp thành lập mới hoặt quay trở trở lại hoạt động.
Theo đó, năm 2022, có 148.500 doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký sử dụng 981.300 lao động, không kể số lao động do gần 60.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, chỉ có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.