Hơn 95,7 triệu kWh điện tái tạo "lên lưới" quốc gia, còn 15 dự án chưa gửi hồ sơ

Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã đi vào vận hành thương mại và phát điện lên lưới được hơn 1 tháng...
Hơn 95,7 triệu kWh điện tái tạo "lên lưới" quốc gia, còn 15 dự án chưa gửi hồ sơ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm công nhận vận hành thương mại (COD) đạt khoảng 95,7 triệu kWh.

Đáng nói, sản lượng điện phát trung bình một ngày của các dự án điện tái tạo khoảng 3,2 triệu kWh, chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động. 

EVN cho biết, tính đến ngày 7/7, có 14 nhà máy/phần nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 686,12 MW đã hoàn thành thủ tục vận hành thương mại (COD) và phát điện thương mại lên lưới.

Đến nay, ghi nhận 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN để đàm phán giá điện cũng như hợp đồng mua bán điện. 

Trong các dự án đã gửi hồ sơ, có 59 dự án với tổng công suất 3.211,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương.

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/59 dự án. Trong đó có 55 dự án với tổng công suất 3.052,01 MW được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.

Bên cạnh đó, 20 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Như vậy, hiện vẫn còn 15 dự án với tổng công suất 882,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán. Đa số dự án trong số 15 dự án này đều vướng mắc ở các quy định liên quan đến quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng hoặc giấy phép hoạt động điện lực...

điện tái tạo
15 dự án điện tái tạo chưa gửi hồ sơ

Các quy trình, thủ tục liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đều đã được EVN ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư. Việc này nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện nhanh nhất có thể theo đúng quy định của pháp luật.

Trong Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng thông qua hồi tháng 5, Chính phủ định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%; phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.

Quy hoạch điện 8 cũng nhấn mạnh sự quan trọng, cần thiết phải xây dựng dự thảo luật về năng lượng tái tạo năm 2024; ban hành các chính sách mua bán điện trực tiếp; xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai.

Các nhà đầu tư nhận định, Quy hoạch điện 8 được phê duyệt đã tháo gỡ những thắc mắc, mối lo cho nhà đầu tư nước ngoài và nguồn lực đầu tư trong nước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Có thể bạn quan tâm