Tại hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Wei Zhenhua (David Wei), Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam, đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển tài năng của Huawei toàn cầu, đồng thời đưa ra những đề xuất và cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (ICT) chất lượng cao, góp phần vào quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến từ 9/11 đến 6/12/2021, với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong kỷ nguyên số”.
Tại Hội thảo, ông David Wei, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam, chia sẻ: “Nhân tài luôn là giá trị quan trọng hàng đầu tại Huawei. Tăng trưởng tài nguyên con người, tôn trọng tri thức, tôn trọng nhân tài chính là nền móng giá giá trị tăng trưởng của Huawei từ ngày đầu thành lập đến nay. Hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Huawei đã nhìn thấy được tiềm lực của nhân tài Việt cũng như sự hỗ trợ và định hướng phát triển chuyển đổi số của chính phủ. Chính vì thế, Huawei cam kết tiếp tục triển khai, hỗ trợ Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái số bền vững, thông qua các chương trình hợp tác với các trường đại học và xây dựng học viện ITC tại Việt Nam trong thời gian tới, để góp phần vào thúc đẩy sự phát triển nhân lực kỹ thuật số tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong thời đại số.”
Ông David Wei, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam, cho biết thêm: Huawei cam kết mang đến những kiến thức kỹ thuật số đến với nhiều người hơn, phát triển tài năng ICT tại địa phương, tăng cường chuyển giao kiến thức, hiểu biết cũng như khuyến khích sự tìm hiểu về công nghệ thông qua các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học. Các hoạt động này sẽ mang đến những cơ hội học tập cho các thanh niên trẻ, những người là trụ cột trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, cung cấp cho họ những nền tảng khoa học vững chắc để góp phần xây dựng và phát triển Việt Nam.
Hàng năm, Huawei tổ chức nhiều hoạt động, chương trình và các cuộc thi nhằm khuyến khích sự tham gia của nhiều tài năng ICT, có thể kể đến: Cộng đồng 5G APAC, Spark Accelerator, Cuộc thi Sáng tạo ứng dụng Huawei HMS, Hạt giống cho tương lai, ICT Academy...
Học viện ICT (ICT Academy), được thành lập vào năm 2013, đã hợp tác với các trường đại học hàng đầu, xây dựng hệ sinh thái tài năng bằng cách đầu tư vào quá trình học tập, chứng nhận và việc làm, ươm mầm cho các tài năng ICT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành.
Đến năm 2019, Học viện ICT Academy đã hợp tác với hơn 900 trường đại học và cao đẳng tại hơn 72 quốc gia và khu vực bao gồm: Trung Quốc, Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi, châu Á, Mỹ Latin, Nam Thái Bình Dương. Trong đó phải kể đến những trường đại học danh tiếng như: Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moscow Bauman (Nga), Đại học Malaya (Malaysia) và Đại học New South Wales (Úc), Trường Polytech Nice Sophia (Pháp) và các trường cao đẳng kỹ thuật khác. Với hơn 45.000 sinh viên theo học mỗi năm, Huawei đã tổ chức hơn 50 hội chợ tài năng trên toàn cầu và cung cấp hơn 3.600 nhân sự ICT chất lượng cao cho ngành.
Mới đây, tại Hội nghị tài năng kỹ thuật số 2021 (tháng 11/2021), Huawei vừa ký biên bản hợp tác với ASEAN nhằm thực hiện chương trình đào tạo tài năng công nghệ trẻ bắt đầu từ năm 2022 tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Huawei sẽ đầu tư 50 triệu USD trong vòng 5 năm, xây dựng một chương trình đào tạo với cung cấp hơn 3.000 khóa học về công nghệ ICT với 100 giảng viên có kỹ năng cao nhằm nuôi dưỡng tài năng công nghệ, giải quyết cơn khát hơn 2 triệu nhân lực ICT trong khu vực.
Dự thảo đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đang được trình Thủ Tướng phê duyệt với mục tiêu mỗi năm Việt Nam cần đào tạo khoảng 100.000 kỹ sư CNTT trình độ cao. Đề án được kỳ vọng sẽ cung cấp những khoá đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng số để nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ nhân tài ICT phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội. Từ đó góp phần cải thiện vị trí của Việt Nam về việc xây dựng hệ thống đào tạo tiên tiến ở khu vực và thế giới.