Trên thế giới có khá nhiều chuẩn mực quản trị rủi ro công ty được áp dụng phổ biến, như khung quản trị rủi ro tích hợp COSO ERM 2004, nguyên tắc và hướng dẫn chung quản trị rủi ro ISO 31000:2009, Hiệp ước Basel về chuẩn mực an toàn vốn trong lĩnh vực ngân hàng, chuẩn mực quản trị rủi ro cho lĩnh vực bảo hiểm Sovlency:2012...
Các công ty lớn thường hướng tới quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế để kiểm soát và hạn chế thấp nhất sự thiệt hại, đây cũng là tiêu chí quan trọng để đối tác tìm đến hợp tác sản xuất, kinh doanh.Việc quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế còn rất xa lạ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nên rủi ro là nguyên nhân phá sản chủ yếu của công ty khởi nghiệp.
Tiến trình cơ bản của kế hoạch quản trị rủi ro
Công ty khởi nghiệp rất cần quản trị rủi ro, bởi có khả năng đối mặt với biến cố nhiều hơn doanh nghiệp lớn. Không nhất thiết phải quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, mà chỉ cần nắm những nguyên tắc căn bản của các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế.
Một chuẩn mực quản trị rủi ro bất kỳ được xây dựng dựa trên tiến trình cơ bản: nhận diện, đánh giá, giải pháp ứng phó, kiểm soát phòng ngừa rủi ro. Toàn bộ tiến trình này cần sự tham gia, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau của các bộ phận, cá nhân trong doanh nghiệp để tránh không phát hiện các rủi ro.
Khi xây dựng kế hoạch khởi nghiệp cần chú ý đến việc dự báo các rủi ro có liên quan đến thị trường (sản lượng, giá bán, cạnh tranh), sự biến động của nguyên vật liệu, nhân sự, chi phí mặt bằng, chi phí tuân thủ pháp luật. Cần phân loại và xếp hạng các rủi ro theo khả năng xảy ra (cao hay thấp) và mức độ thiệt hại (nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng) để đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp.
4 cách ứng phó với rủi ro được dự báo
Thông thường có 4 cách ứng phó với rủi ro được dự báo, gồm: tránh né, chuyển giao, giảm nhẹ và chấp nhận.
Tránh né là lựa chọn một phương án khác nhằm tránh rủi ro với nhiều cách khác nhau như thay đổi phương pháp, công cụ, con người thực hiện; hoặc thương lượng với khách hàng để thay đổi mục tiêu; lựa chọn phương án đầu tư khác.
Chuyển giao bằng cách chia sẻ thiệt hại (nếu có) thông qua thương thảo với đối tác về thời gian, chi phí, hoặc mua bảo hiểm. Giảm nhẹ là thực thi các biện pháp để giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro (chẳng hạn như áp dụng và tuân thủ các biện pháp an toàn), hoặc giảm nhẹ thiệt hại khi rủi ro xảy ra (chẳng hạn như huấn luyện ứng phó tình huống).
Việc thực hiện các biện pháp tránh né, chuyển giao, giảm nhẹ đều hao tốn chi phí cơ hội hoặc chi phi kế toán cho doanh nghiệp. Nếu thiệt hại do rủi ro gây ra thấp hơn chi phí thực hiện các biện pháp trên thì đành chấp nhận rủi ro. Khi đó cần có kế hoạch đối phó linh hoạt, khắc phục thiệt hại khi rủi ro xảy ra.
Trong tổ chức thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày, cần áp dụng nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau trong quản trị rủi ro. Công ty khởi nghiệp cần xây dựng các quy trình hướng dẫn thực hiện rõ ràng với sự kiểm soát của người quản lý đối với nhân viên, kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận.
Chẳng hạn như người quản lý kiểm soát hợp đồng do nhân viên dưới quyền mình soạn thảo, các bộ phận có liên quan khác cho ý kiến về hợp đồng rồi mới trình lãnh đạo ký. Quá trình kiểm soát này sẽ giúp phát hiện và loại bỏ rủi ro liên quan đến việc ký kết hợp đồng đó.
Ngoài ra, cần chú ý kiểm soát việc thực hiện các biện pháp ứng phó với rủi ro theo kế hoạch đề ra, cơ bản nhất là kiểm soát phòng ngừa, kiểm soát phát hiện và kiểm soát khắc phục. Kiểm soát phòng ngừa nhằm ngăn chặn các lỗi, các hành động không phù hợp có thể gây ra rủi ro. Kiểm soát phát hiện là giám sát các hoạt động theo quy trình hướng dẫn để kịp thời phát hiện sự cố và có biện pháp ứng phó phù hợp. Kiểm soát khắc phục nhằm đảm bảo khôi phục trạng thái ban đầu hoặc giảm hậu quả sau khi sự cố xảy ra.
Ứng phó với rủi ro là kỹ năng rất quan trọng đối với lãnh đạo công ty khởi nghiệp. Nguyên tắc xuyên suốt là tập trung giải quyết hậu quả chứ không đặt nặng vấn đề truy cứu trách nhiệm. Bởi dù trách nhiệm thuộc về ai thì thiệt hại cũng đã xảy ra rồi, nên việc cần làm là tìm cách xoa dịu những người có lợi ích liên quan, sớm khôi phục hoạt động của doanh nghiệp. Cần ứng phó với rủi ro theo phương châm "lớn hóa nhỏ, nhỏ hóa không", sau đó rút kinh nghiệm, củng cố công tác quản trị.
Không áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế, nếu công ty khởi nghiệp vận dụng được các nguyên tắc quản trị rủi ro cơ bản trên sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tạo lập nền tảng quản trị doanh nghiệp bài bản. Khi công ty dần trưởng thành, vẫn cần tiếp tục áp dụng các nguyên tắc này khi hướng đến những chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn