IMF lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dự báo GDP đạt 6,1% trong năm 2024

Ban Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố kết luận về đợt tham vấn theo Điều IV năm 2024 với Việt Nam, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,1% trong năm nay…

IMF lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dự báo GDP đạt 6,1% trong năm 2024

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, báo cáo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã mang đến những tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, theo kết luận tham vấn Điều IV của Ban Giám đốc điều hành IMF, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn của năm 2023.

Cũng theo báo cáo, Việt Nam đã trải qua một năm 2023 đầy thách thức với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, biến động trên thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và động lực phục hồi từ ngành xuất khẩu và du lịch, nền kinh tế đã dần ổn định và bắt đầu tăng trưởng trở lại kể từ giai đoạn cuối năm.

Lạm phát tăng trong năm 2024 chủ yếu do giá lương thực thực phẩm, mặc dù lạm phát cơ bản vẫn duy trì tương đối ổn định. Cán cân vãng lai đối ngoại cũng ghi nhận mức thặng dư lớn trong năm 2023 ở mức 5,8% GDP, phần nhiều là do nhập khẩu giảm sút.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế 2024 sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng. Dự kiến tăng trưởng cầu trong nước sẽ hồi phục dần do doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn.

Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4-4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Screenshot 2024-10-01 at 14.25.07.png
Một số chỉ báo kinh tế Việt Nam bao gồm GDP, lạm phát, ngân sách công...

Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng rủi ro tiêu cực vẫn còn cao. Xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.

Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước. Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể tác động đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính.

Các Giám đốc IMF lưu ý rằng do dư địa tài khóa vẫn còn nhiều trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn ít dư địa, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế nếu cần.

Trong bối cảnh này, IMF hoan nghênh kế hoạch của các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, giải quyết các nút thắt và nâng cao việc mở rộng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

IMF đánh giá các bước tiến tới tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và khuyến nghị tiếp tục có tiến triển trong lĩnh vực này, cùng với việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, báo cáo lưu ý tầm quan trọng của việc củng cố các đệm vốn, loại bỏ dần các quy định về gia hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ và xử lý các khoản nợ xấu gia tăng. IMF lưu ý thêm, cần củng cố khuôn khổ tài khóa, quy trình lập ngân sách và tăng huy động thu ngân sách trong trung hạn để hỗ trợ kế hoạch phát triển đầy tham vọng.

"Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có thu nhập trung bình cao cũng sẽ đòi hỏi có nhiều nỗ lực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào nguồn nhân lực", báo cáo của IMF nhấn mạnh.

Đợt Tham vấn theo Điều IV của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là hoạt động đánh giá định kỳ mà IMF tiến hành với các nước thành viên, bao gồm Việt Nam, để xem xét tình hình kinh tế vĩ mô, tài khóa và tài chính của quốc gia đó. Trong quá trình này, IMF cử chuyên gia đến làm việc với các cơ quan chức năng của nước thành viên để thu thập thông tin, thảo luận chính sách, đồng thời phân tích các thách thức cũng như triển vọng kinh tế. Một báo cáo kết luận sẽ được đưa ra sau đó, nêu bật các khuyến nghị và đánh giá về tình hình kinh tế, tài chính của nước thành viên, cùng với những biện pháp mà nước đó có thể thực hiện để duy trì tính ổn định và phát triển bền vững.

Xem thêm

Bức tranh tổng quan ngành ngân hàng và triển vọng tăng trưởng năm 2024

Bức tranh tổng quan ngành ngân hàng và triển vọng tăng trưởng năm 2024

Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao để mở rộng sản xuất, và đồng thời kích thích tiêu dùng của người dân. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm 2024 hoàn toàn có thể đạt 14% - 15%, tiệm cận mức mục tiêu của Chính phủ đề ra...

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...