Bất động sản bán lẻ cao cấp như “ngôi sao sáng” tại thị trường Việt Nam

Thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn…

Bất động sản bán lẻ cao cấp Việt Nam tăng trưởng tốt
Bất động sản bán lẻ cao cấp Việt Nam tăng trưởng tốt

Việt Nam đã duy trì tốc tốc độ tăng trưởng hằng năm ở hai chữ số trong hàng thập kỷ. Nhờ đó, thị trường bán lẻ có sự phát triển tốt. Quy mô ngành bán lẻ Việt Nam được Bộ Công thương dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội.

Cùng với sự phát triển của ngành bán lẻ, Việt Nam cũng đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản bán lẻ cao cấp với tốc độ tăng trưởng nhanh so với các nước trong khu vực.

Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trên thực tế, sự tăng trưởng của lĩnh vực bất động bán lẻ cao cấp không chỉ đến từ tăng trưởng thu nhập bình quân cũng như thu nhập khả dụng của người dân, mà còn ở việc dịch chuyển thói quen mua sắm ngày càng cao cấp hóa cùng với sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu.

Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế, cùng với nhu cầu mua sắm và trải nghiệm dịch vụ cao cấp ngày càng tăng, đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bất động sản bán lẻ cao cấp.

VARS cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp ở Việt Nam là tăng trưởng kinh tế ổn định và nhanh chóng. Sự phát triển kinh tế đã làm tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và thượng lưu, tạo ra nhu cầu nhu cầu mua sắm tại các cửa hàng thời trang cao cấp, siêu thị hạng sang, và trung tâm thương mại có thương hiệu quốc tế.

Đặc biệt, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, đã có sự thay đổi, ngày càng hướng đến các trải nghiệm mua sắm cao cấp, không chỉ dừng lại ở việc mua sắm hàng hóa mà còn tìm kiếm các dịch vụ và trải nghiệm sống đẳng cấp.

Nhu cầu tăng cao cùng với cơ sở hạ tầng đô thị và thương mại ngày càng được đầu tư mạnh mẽ cũng giúp Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn đối với nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế. Nhiều thương hiệu cao cấp từ các ngành thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, và thực phẩm cao cấp đã đổ bộ vào Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

“Sự xuất hiện của những thương hiệu này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam mà còn giúp nâng cao tiêu chuẩn của thị trường bán lẻ. Bởi sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế buộc các nhà bán lẻ trong nước phải cải thiện dịch vụ và chất lượng không gian bán lẻ”, đại diện VARS phân tích.

Không những vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản ngày càng được cải thiện với nhiều chính sách thu hút đầu tư cũng như các hỗ trợ về tín dụng và ưu đãi thuế dành cho các dự án phát triển bất động sản bán lẻ. Hàng loạt các trung tâm thương mại cao cấp cũng được phát triển để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng cao của lĩnh vực này. Những trung tâm này không chỉ là nơi mua sắm mà còn trở thành điểm đến giải trí và ẩm thực cao cấp.

Đặc biệt, tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp còn được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch. Việt Nam đã trở thành điểm đến phổ biến đối với du khách quốc tế và nội địa.

Tuy nhiên, chuyên gia của VARS nhấn mạnh, thị trường này cũng đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn. Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, mặt bằng bán lẻ Việt Nam vẫn còn khiêm tốn cả về quy mô, chất lượng và trải nghiệm.

Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là các trung tâm thương mại cao cấp, vẫn còn tương đối ít so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia...

"Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, mở rộng nguồn cung mặt bằng chất lượng cao, và nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng để thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế và cạnh tranh với các quốc gia lân cận", chuyên gia VARS đưa ra giải pháp.

Còn theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và S22M Savills TP.HCM diện tích bán lẻ hiện đại tại TP.HCM vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và có tiềm năng phát triển trong tương lai. Mặt bằng bán lẻ cao cấp còn hạn chế cùng với nhu cầu mạnh mẽ đã dẫn đến hiệu suất hoạt động tích cực của lĩnh vực này.

Trong thời gian tới, thách thức chính đối với các nhà bán lẻ là cân bằng chi phí thuê cao tại các khu trung tâm trong bối cảnh lựa chọn hạn chế. Khi quá trình phát triển mở rộng ra khu vực ngoài trung tâm đang được đẩy mạnh, các vùng lân cận sẽ mở ra nhiều cơ hội dễ tiếp cận và chi phí hợp lý hơn cho các nhà bán lẻ đang có kế hoạch mở rộng.

Ngành bán lẻ cao cấp của Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội, mang lại cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Với tầng lớp trung lưu đang mở rộng, du lịch ngày càng phát triển và nhu cầu ổn định đối với các không gian bán lẻ cao cấp, Việt Nam nổi lên như một nhân tố quan trọng tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bà Giang lưu ý, nguồn cung hạn chế và chi phí thuê tăng cao tiếp tục là thách thức. Để thành công trong thời gian tới, các nhà đầu tư và nhà bán lẻ nên khám phá các khu vực ngoài trung tâm và các dự án bán lẻ mới để tận dụng cơ hội tăng trưởng của mình tại Việt Nam.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…