KHA làm chuyện “ngược đời”, cái cớ của cuộc “rút lui“?

Năm 2017, thị trường chứng khoán ghi nhận những chuyển động tích cực, là thời điểm thích hợp để nhiều công ty đại chúng tiến lên. Tuy nhiên, có 1 doanh nghiệp quyết định đi ngược xu hướng trên, đó là
KHA làm chuyện “ngược đời”, cái cớ của cuộc “rút lui“?

Câu chuyện của KHA không phải chưa có tiền lệ, nhưng vẫn khiến các thành viên thị trường không khỏi băn khoăn.

Từ trường hợp KHA…

Điều gì khiến một công ty đã có lịch sử 15 năm giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) bất ngờ quyết định xin “chuyển xuống” hoạt động tại sàn UPCoM?

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Cao Trí, tân Chủ tịch KHA và nhóm cổ đông ủng hộ quyết định này, việc niêm yết tốn kém nhiều chi phí, trong khi Công ty không có nhu cầu huy động vốn. Mặt khác, thanh khoản KHA hiện nay tương đối thấp, dẫn tới rời sàn để xuống UPCoM không gây bất lợi mà còn có thể tạo cơ hội giao dịch tốt hơn.

Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều cho rằng KHA làm chuyện “ngược đời” khi “đang yên đang lành” lại chuyển cổ phiếu sang thị trường được đánh giá kém minh bạch hơn, quyết định này đã được thông qua với sự nhất trí của hơn 71% cổ đông nhỏ tham dự Đại hội đồng cổ đông năm 2017.

Trong khi đó, điều kiện hủy niêm yết tự nguyện theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP là có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn chấp thuận hủy bỏ niêm yết.

Câu chuyện KHA trên thực tế không cá biệt và từng xảy ra không ít trường hợp trong quá khứ. Thậm chí, trước đây, khi chưa có cơ chế buộc giao dịch trên UPCoM như hiện nay, nếu doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện đồng nghĩa với việc “biến mất” hẳn trên thị trường. Điều đáng quan tâm với KHA lúc này là lý do doanh nghiệp này đưa ra để rời HoSE có thực sự là bản chất của vấn đề và các cổ đông KHA cần ứng xử ra sao.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc một doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện, thông thường nguyên nhân bởi tốn kém, rườm rà thủ tục chỉ là phần nhỏ. Hay nói cách khác, đây chỉ là cái cớ để doanh nghiệp “rút lui” vì nhiều mục đích, chẳng hạn sợ bị thâu tóm hay muốn giảm áp lực về quản trị, minh bạch thông tin.

Thực tế, một số doanh nghiệp có gốc tư nhân, công ty gia đình có cơ bản tốt, lợi nhuận khá ổn định khi trở thành công ty đại chúng rồi niêm yết đã gặp phải những vấn đề khi không hòa hợp được với cổ đông mới, gây xáo trộn về quản trị, khiến kết quả kinh doanh không như mong muốn, chệch định hướng kinh doanh trước đó, nên quyết định hủy niêm yết.

Một chuyên gia khác cho biết thêm, doanh nghiệp khi lên sàn có mục đích chủ yếu là huy động vốn, tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chuyện doanh nghiệp khi không còn nhu cầu huy động vốn mà rời khỏi sàn là hiếm thấy, bởi ngoài huy động vốn, niêm yết cổ phiếu còn tạo ra những giá trị quan trọng khác.

Trở lại với khía cạnh lợi ích của cổ đông trong trường hợp doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện, với trường hợp của KHA, dẫu số liệu kiểm phiếu cho thấy có hơn 71% cổ đông nhỏ tham dự cuộc họp bỏ phiếu thông qua tờ trình hủy niêm yết, song còn đó những nghi vấn có hay không sự dàn xếp nào đó diễn ra trước thềm Đại hội. Điều này khó kiểm chứng, song bất lợi cho cổ đông thiểu số là dễ nhận thấy.

Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng, Chuyên gia Quản trị doanh nghiệp, Cố vấn trưởng mạng xã hội codongnho.vn nhận định, việc hủy niêm yết xuống sàn UPCoM của doanh nghiệp chủ yếu ảnh hưởng không tốt tới quyền lợi của các cổ đông nhỏ. Vì đây là những người thường không có đủ điều kiện để hiểu rõ việc quản trị và quản lý doanh nghiệp.

Các quy định chặt chẽ của HoSE giúp việc quản trị và quản lý doanh nghiệp được minh bạch hơn là điều mà các cổ đông nhỏ cần tới và được hưởng lợi. Ngoài ra, việc này cũng hạ thấp giá trị thương hiệu của công ty và tính thanh khoản cổ cổ phiếu, do đó ảnh hưởng chung đến tất cả cổ đông của công ty.

Ông Thắng khuyến nghị, các cổ đông nhỏ nếu muốn thay đổi hiện trạng này cần kết nối với nhau để dồn phiếu đề cử và bầu một người tham gia làm thành viên hội đồng quản trị độc lập của công ty, qua đó truyền tải các ý kiến, nguyện vọng của cổ đông nhỏ đến tất cả các hoạt động quản trị của công ty.

Thực tế ghi nhận, khi doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện, để giải quyết quyền lợi, các cổ đông nhỏ lẻ thường yêu cầu mua cổ phiếu quỹ với giá phù hợp. Nhưng đó là trường hợp hủy niêm yết trong quá khứ, còn hiện nay, sau khi hủy niêm yết và xuống giao dịch tại UPCoM, cổ đông đã có lợi hơn khi vẫn đảm bảo được quyền giao dịch, dù vẫn có khả năng đối mặt với việc giá cổ phiếu đi xuống bởi niềm tin về sự minh bạch của doanh nghiệp giảm sút.

… đến muôn kiểu lý do xin “rời sàn”

Trong những năm gần đây, chuyện các doanh nghiệp xin tự nguyện rời sàn không phải là hiếm. Ngoại trừ các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cố tình tự hủy niêm yết nhằm tránh bị “bóc” tình trạng bết bát, nguyên nhân được đưa ra phổ biến là nhằm tập trung cho việc tái cơ cấu; giá cổ phiếu không phản ánh giá trị thực làm giảm uy tín doanh nghiệp, hoặc thị trường ảm đạm nên niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông…

Trong số này, có những câu chuyện đặc biệt, chẳng hạn, nổi tiếng nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC). Năm 2015, lãnh đạo MPC cho hay, việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở khả năng tăng vốn của Công ty khi MPC muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn room ngoại (thời điểm đó) ở mức 49%.

Trường hợp khác, Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) phải rời sàn vì việc niêm yết ảnh hưởng tới nhu cầu mở rộng kinh doanh của Công ty - vụ việc đến nay vẫn được xem là “nỗi đau” của MKP khi tình thế “cực chẳng đã” buộc doanh nghiệp này phải rời sàn.

Cụ thể, MKP khi đăng ký thêm hoạt động “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” đã bị “tuýt còi” vì vướng nguyên tắc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì không được đăng ký chức năng kinh doanh này.

Tại thời điểm đó, MKP có 4,47% vốn thuộc sở hữu cổ đông ngoại và không phải là doanh nghiêp niêm yết duy nhất kinh doanh trong ngành dược có phần vốn nước ngoài. Tuy nhiên, vướng mắc của MKP là thay vì đăng ký rồi mới lên sàn, thì lại niêm yết và mở cửa cho nhà đầu tư ngoại rồi mới xin mở rộng chức năng kinh doanh sau.

Cân đo lợi ích niêm yết

Việc rời sàn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng về cơ bản, tự nguyện hủy niêm yết có nghĩa là các công ty nhận thấy thị trường chứng khoán đã không còn mang lại lợi ích cho họ như trước, hoặc gây ra những trở ngại nhất định cho doanh nghiệp. Kết cục, doanh nghiệp phải “cân đo đong đếm” và đưa ra quyết định rời sàn.

Như nhiều thành viên thị trường phân tích, về cơ bản, lợi ích của việc niêm yết có thể bao gồm các yếu tố: có cơ hội tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn; khuyếch trương uy tín của doanh nghiệp; tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu; gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp…

Ngược lại, gia nhập thị trường chứng khoán cũng tạo ra các thách thức như áp lực đối với lãnh đạo doanh nghiệp về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh; quyền kiểm soát có thể bị đe doạ; doanh nghiệp phải chịu nhiều nghĩa vụ công bố thông tin và các ràng buộc khác.

Đối với chi phí khi gia nhập thị trường, có thể điểm tên các khoản như chi phí nộp cho sở giao dịch, trung tâm lưu ký, chi phí hội họp, thuê tư vấn, kiểm toán, chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ…, chưa kể các chi phí “bất thành văn” khác.

Trước đây, doanh nghiệp khi rời sàn là cắt được đáng kể các chi phí này, còn hiện tại, xuống giao dịch UPCoM, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện tương đối đầy đủ nghĩa vụ nên chỉ giảm được phần nào chi phí.

Trên thực tế, thách thức hay các chi phí bỏ ra khó có thể coi là khó khăn cho doanh nghiệp, mà tùy thuộc vào cách ứng xử cũng như mục tiêu của doanh nghiệp trên thị trường. Nhờ áp lực mới về nâng cao năng lực quản trị, doanh nghiệp có thể tạo niềm tin cho cổ đông mới, từ đó huy động vốn...

Đây là lý do mà năm 2016 và 6 tháng 2017, hàng loạt doanh nghiệp đã và đang thực hiện kế hoạch chuyển sàn từ HNX sang HOSE, hay từ UPCoM lên 2 sàn niêm yết.

Theo Nguyễn Gia/ĐTCK

>> Cổ phiếu Lộc Trời sẽ là “bom tấn” mảng nông nghiệp trên sàn UPCoM?

Có thể bạn quan tâm