Sáng 13/3, Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam (Plastics & Rubber Vietnam 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC Quận 7, TP.HCM.
Triễn lãm quốc tế Plastics & Rubber Vietnam 2024 có tổng diện tích trưng bày khoảng 3.300m2 với sự tham gia của hơn 60 đơn vị đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Đức, Ý, Áo, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam... Trong đó, có 5 nhóm gian hàng quốc tế đến từ Đức, Ý, Áo, Trung Quốc và Đài Loan. Dự kiến, triển lãm sẽ đón hơn 3.500 khách tham quan chuyên ngành đến từ nhiều lĩnh vực trong ngành nhựa, cao su Việt Nam.
Với không gian trưng bày rộng lớn cho các thiết bị vận hành và phụ trợ ngành nhựa và cao su, cùng nhiều hội thảo chuyên đề, Plastics & Rubber Vietnam 2024 là cơ hội để các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm và công nghệ mới, từ đó, doanh nghiệp ngành nhựa và cao su tại Việt Nam có thể tìm kiếm các công nghệ, giải pháp vận hành tiên tiến nhất cho dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ ban tổ chức, quy mô thị trường Nhựa Việt Nam ước tính đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 8,44% trong giai đoạn 2024 – 2029 (Mordor Intelligence, 2023).
Dù bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế toàn cầu nhưng các chính sách kích cầu và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam.
Trong một vài năm tới, phân khúc nhựa xây dựng được dự báo sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, chiếm khoảng 1/4 tổng ngành nhựa. Bên cạnh đó, ngành bao bì nhựa cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, nổi bật là ngành sản xuất chai nhựa, với doanh số bán chai nhựa tại Việt Nam dự kiến đạt hơn 1,1 tỷ USD vào năm 2033 (Future Market Insight, 2023).
Trong quá trình chuyển dịch sang nền công nghiệp nhựa tái, quy mô thị trường nhựa tái chế Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt gần 410 nghìn tấn vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 8,36% trong giai đoạn 2023 – 2028 (Report Linker, 2023). Các mối quan tâm ngày càng cao về các vấn đề môi trường và sự gia tăng giá cả của nhựa thông thường là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này.
Cùng với nhựa, ngành cao su Việt Nam cũng có những chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt khoảng 260 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 99,8% về trị giá so với tháng 1/2023.
Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á cũng có xu hướng tăng trong tháng 1/2024 do được hỗ trợ bởi triển vọng thị trường ô tô lạc quan và các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, cũng như giá dầu cao hơn