Khai mạc Vietnam ICT Summit 2017: "Doanh nghiệp phải chia sẻ, kết nối và liên kết"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ Thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” khai mạc sáng

Vietnam ICT Summit 2017 là diễn đàn chính sách, công nghệ thường niên với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn kinh tế, các đơn vị ứng dụng CNTT, các doanh nghiệp CNTT-TT, các chuyên gia để trao đổi, chia sẻ về xu hướng công nghệ, các giải pháp đưa CNTT làm nền tảng tạo phương thức phát triển mới, hiện đại hóa đất nước. 

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2017 diễn ra ngày 6/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, phát huy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, đào tạo nhân lực CNTT, làm thế nào để mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản trị, điều hành và phát triển…

Phó Thủ tướng bày tỏ, từ giữa năm 2017, Việt Nam đã đón nhiều thông tin vừa mừng vừa lo. Mừng vì năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 12 bậc, lần đầu đứng thứ 47 trên thế giới, trong đó có phần đóng góp của giới CNTT. Mừng vì chỉ số về Chính phủ điện tử công bố tháng 7/2017 Việt Nam tăng được 10 bậc (nhưng vẫn đứng thứ 89).

Nhưng cùng đó, thông tin gây lo lắng đó là Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về vấn nạn spam, mã độc tấn công mạnh trong các doanh nghiệp, cơ quan…

"Chúng ta đã nói rất nhiều tới cách mạng công nghiệp 4.0. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Trong CNTT phải kết nối, chia sẻ với nhau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, Việt Nam đã đi thẳng vào lĩnh vực kỹ thuật số và có nhiều thành quả. Còn thời điểm hiện nay, hãy tập trung vào những việc với tâm thế mới, phải xây dựng hạ tầng CNTT thật mạnh.

30 năm trước, quốc gia như Hàn Quốc đã mạnh dạn xây dựng xa lộ thông tin. Malaysia, Thái Lan cũng đi trước một bước. Thời đó, Việt Nam không bỏ lỡ khi gian khổ xây dựng những tuyến cáp quang, viba đầu tiên, không có nhiều kỹ sư được đào tạo cơ bản. Nay đã có 3G, 4G, cáp quang đến từng thôn bản. Chúng ta phải làm tiếp, làm mạnh.

Việt Nam đã có 4G, không chỉ Bộ TT&TT mà các bộ khác cũng phải có cơ chế thiết thực thúc đẩy về băng thông, giá cước, rồi chính sách từ quỹ viễn thông công ích để đưa cáp quang về mọi ngõ ngách. Giống như trước kia đưa điện thoại cố định về mọi ngõ ngách, thì nay là smartphone, băng rộng.

Điều quan trọng của hạ tầng không chỉ ở phần cứng. Chúng ta phải làm lại một cách chuyên nghiệp từ kiến trúc chung cho đến trung tâm dữ liệu, và phải tiến tới để có dữ liệu mở… Đầu tiên từ các bộ ngành, rồi doanh nghiệp và mọi người phải chia sẻ, kết nối dữ liệu. Chỉ khi đó, mọi ứng dụng mới được thuận lợi, mới có “mỏ” cho mọi doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp CNTT tương lai, startup tương lai mới có vùng đất làm ra sản phẩm mới, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

“2 năm trước tôi đã nói về thuê dịch vụ. Chúng ta phải làm mạnh. Dịch vụ công mức 3, mức 4 phải được đặt ra để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ ngành. Không cần đặt những bài toán to lớn, mà chỉ cần đặt ra số lượng các dịch vụ phải làm ở mức độ 4. Khi đó sẽ có nhiều hệ quả tốt đẹp về cải cách hành chính, phòng chống tiêu cục, năng lực điều hành quản lý được nâng cao…", Phó Thủ tướng nói, đồng thời bày tỏ Bộ TT&TT, Hội tin học Việt Nam cũng phải đổi mới cách thức đo chỉ số CNTT của các địa phương.

Phó Thủ tướng lưu ý, cần phải có sự thay đổi từ cộng đồng CNTT bởi đây là vấn đề rất quan trọng. Thay vì trước đây làm những dịch vụ nhỏ, làm được ngay thì nay phải làm bài bản, chuyên nghiệp hơn.

2 năm trước chúng ta phát động thuê dịch vụ CNTT. Ví dụ với bảo hiểm y tế, các tỉnh thành đồng loạt kết nối, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Nhưng qua làm việc với các địa phương mới đây, Phó Thủ tướng nhận được phản ánh tại các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, dù doanh nghiệp đã cam kết nhưng phần mềm vẫn chưa chạy thông suốt. Do đó, để đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT, các doanh nghiệp CNTT cũng phải có phần mềm độ tin cậy cao, phải chạy được trong các trường hợp chứ không có chuyện chỉ mình làm thì chạy, đến khi người khác dùng nếu có tình huống mới lại trục trặc...

Về lĩnh vực phần mềm, phát biểu tại ICT Summit 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh với lĩnh vực truyền thống phải đi vào tính chuyên nghiệp, vào những cái mới.

"Tôi có đến thăm FPT và một số nơi, được nghe phản ánh về các ứng dụng mới, xe tự lái, thẻ thông minh… Những cái mới đó chúng ta phải cố gắng, dấn thân có sự hỗ trợ của cộng đồng để có thêm sức mạnh", Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý vấn đề an ninh mạng. Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm. Các cơ quan quản lý nhà nước dần phải có văn bản hoàn thiện về vấn đề này. Từ nhân lực, kỹ thuật, cơ chế về an toàn mạng thì có thể đến lúc sẽ phải trả giá.

Về nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng bày tỏ bản thân ông mừng nhưng cũng rất lo lắng. Các đơn vị, cơ quan như Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT… đã hình thành chính sách đổi mới về đào tạo nhân lực CNTT nhưng rất cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp CNTT.

Bộ GD&ĐT đã đưa ra những vấn đề đặc thù để doanh nghiệp CNTT cùng tham gia vào đào tạo, khắc phục yếu kém về số lượng, chất lượng khi đa phần cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học về CNTT chưa đào tạo kiến thức cho sinh viên chưa sát với nhu cầu của doanh nghiệp, cần dành thời gian nhiều hơn để sinh viên tìm hiểu những vấn đề thực sự cần thiết.

"Chúng ta đã nói với nhau nhiều lần. Đất nước còn rất nghèo, đất nước chỉ bứt lên được nếu chúng ta có sự đột phá. Nhiều lần tôi đã nói rằng, chỉ số kinh tế là vô cùng quan trọng. Chúng ta có thu nhập đứng 125 trên thế giới. Các tổ chức quốc tế đã chỉ ra rằng, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 20 năm tới đây Việt Nam phải tăng thu nhập tối thiểu trên đầu người 7%, tăng GDP 7,5-8% mỗi năm. Tăng trưởng phải bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường, thuần phong mỹ tục… "Chúng ta có chịu thua không, chúng ta có dám dấn thân không?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, đồng thời chỉ rõ: nếu nhân lực là chuyện “con trâu đi trước, cái cày theo sau” thì không bao giờ thoát được, bài toán chỉ có thể giải được từ chính nguồn nhân lực tập trung vào những lĩnh vực mới, có thể tạo ra những bước phát triển đột phá.  

 
Vietnam ICT Summit 2017 sẽ tập trung vào 4 chuyên đề chính: “Nhận thức về Việt Nam 4.0” - bàn về việc xây dựng chiến lược số để Việt Nam tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện thiết yếu để hiện thực hóa chiến lược; “Thế mạnh kinh tế số Việt Nam - Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh” - tập trung vào 3 lĩnh vực kinh tế số mà Việt Nam có lợi thế phát triển bứt phá trong Cách mạng công nghiệp 4.0; “Thành phố thông minh” - thảo luận về các tiêu chí, tiêu chuẩn cho thành phố thông minh, những thách thức, giải pháp và các tiếp cận hiệu quả cho các thành phố của Việt Nam; “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” - phân tích chuyên sâu về công việc tương lai và những kỹ năng mới cần chuẩn bị cho nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Có thể bạn quan tâm