Khai trương xe buýt điện: Thêm lực đẩy mới cho bất động sản TP.Thủ Đức

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa cho phép VinBus vận hành tuyến xe buýt điện đầu tiên trong thành phố, góp phần hoàn thiện thêm “hạ tầng siêu kết nối của” và là lực đẩy mới cho thị trường bất động sản ở thành phố này.

Trải nghiệm “giao thông xanh”

Tuyến xe buýt điện VinBus đầu tiên có tên là D4 với lộ trình từ Khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.Thủ Đức, TP HCM) qua các trục đường chính đến trung tâm thành phố, điểm cuối là bến xe buýt Sài Gòn và ngược lại. Mỗi ngày xe buýt điện VinBus sẽ có 12 xe chạy với 94 chuyến.

Dự kiến trong kế hoạch, 4 tuyến xe buýt điện còn lại sẽ đi vào hoạt động trong quý 3 và quý 4/2022. Các tuyến này gồm: VB01 (Vinhomes Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27km), VB02 (Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất, 30km), VB04 (Vinhomes Grand Park - bến xe Miền Đông mới, 8,5km), VB05 (Vinhomes Grand Park - bến xe Miền Đông mới - khu đô thị ĐH Quốc gia, 10km).

Toàn bộ 5 tuyến xe buýt điện nói trên đều được vận hành bằng năng lượng sạch do VinBus sản xuất. Đặc biệt, phương tiện không gây ô nhiễm tiếng ồn và khí thải, di chuyển êm, không chỉ mang lại cho hành khách sự thoải mái mà còn là phương tiện vận tải xanh, thân thiện với môi trường.

Anh Nguyễn Văn Đức, ngụ tại TP.Thủ Đức, hào hứng chia sẻ: “Đi xe buýt điện rất êm, không gian ngồi rộng rãi, thoáng mát. Từ Thủ Đức, bình thường tôi mất cả tiếng để di chuyển đến trung tâm Sài Gòn nhưng nay, cũng mất từng đó thời gian nhưng tôi ngồi trên xe máy lạnh mát rượi, tôi làm được rất nhiều việc như lướt web, check-mail, xử lý công việc qua điện thoại…”.

Cũng theo anh Đức, với giá vé rất mềm, chỉ từ 3.000 – 7.000 đồng/lượt tùy đối tượng khách, ngoài ra còn nhiều hình thức vé tháng rất ưu đãi thì loại hình “giao thông xanh” này sẽ nhanh chóng được nhiều người sử dụng, trở thành phương tiện kết nối rất hữu hiệu giữa TP.Thủ Đức và các quận huyện khác của TP.HCM.

Chị Nguyễn Hương Giang, ngụ tại Q.3, cho biết: Khi hay tin TP.HCM khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên, chị đã háo hức tham gia trải nghiệm để cảm nhận loại hình giao thông xanh này.

“Xe buýt điện rất hiện đại, khác hẳn với các loại xe buýt tôi đã từng đi. Xe có nhiều tích năng vượt trội, an toàn, trong đó tôi thích nhất là chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống, phù hợp với người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai. Xe còn được trang bị wifi miễn phí, màn hình giải trí... Đi rất đã!”, chị Giang vui vẻ nói và cho biết là tính năng cho phép trả tiền vé bằng thẻ ngân hàng rất tiện dụng.

Thêm kết nối, thêm gia tăng giá trị bất động sản

Kể từ khi được thành lập, TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách mang tính đặc thù để tạo ra bước phát triển đột phá cho TP.Thủ Đức. Trong đó, UBND TP.HCM đã có Quyết định 318 về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020-2035” năm 2020 - 2025.

Theo kế hoạch này, TP.HCM sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía Đông thành phố (TP.Thủ Đức) thành đô thị sáng tạo, tương tác cao và là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Dự kiến đến năm 2025, TP.Thủ Đức sẽ thu hút thêm 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia và đến năm 2035, con số này sẽ là 100.000 dân cư.

Theo kế hoạch, 6 khu vực trọng điểm của TP.Thủ Đức bao gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu liên hợp thể dục thế thao Rạch Chiếc, Khu công nghệ cao TP.HCM, Khu Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu đô thị mới Tam Đa và Khu đô thị Trường Thọ.

Để kết nối TP.Thủ Đức với TP.HCM và vùng TP.HCM, hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm đã, đang và sẽ được đầu tư, tạo ra một mạng lưới hạ tầng giao thông “siêu kết nối” làm đòn bẩy cực mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.Thủ Đức.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), sức hấp dẫn của TP.Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Khu vực này đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng…

“Chắc chắn việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường bất động sản TP.HCM”, ông Châu nói.

Với tuyến xe buýt điện đầu tiên vừa được khai trương và các tuyến khác trong tương lai, việc kết nối giữa TP.Thủ Đức và các khu vực khác sẽ rất dễ dàng, thuận lợi. Đây chính là nền tảng cho việc thu hút ngày càng nhiều người dân, chuyên gia về sinh sống, làm việc tại TP.HCM.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…