Nhiều người thường lầm tưởng rằng những bộ phim có đề tài hoàng cung, cổ trang ở Trung Quốc thường được quay tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Thực tế, nhiều bộ phim cung đấu đình đám nhất châu Á gồm Diên Hi Công Lược, Hậu Cung Như Ý Truyện hay Võ Mỵ Nương truyền kỳ đều được bấm máy quay tại phim trường Hoành Điếm.
Phim trường Hoành Điếm tọa lạc ở thị trấn cùng tên, thành phố cấp huyện Đông Dương, thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Được xây dựng từ năm 1996 và được nâng cấp từng ngày, phim trường này đến nay có tổng diện tích 30km2, lớn gấp 27 lần tổng diện tích của 2 phim trường Universal và Paramount cộng lại. Theo Wsf, đây được coi là phim trường lớn nhất thế giới, được mệnh danh là Hollywood của Phương Đông.
Hoành Điếm có tổng cộng 9 khu vực nguy nga, tráng lệ phục vụ cho việc quay phim, từ cổ trang cho đến bối cảnh Dân Quốc (là một chính thể tiếp nối sau triều đình nhà Thanh năm 1912, chấm dứt hơn 2.000 năm phong kiến Trung Quốc) như: Tần Vương Cung, Thanh Minh Cung, khu Quảng Châu - Hồng Kông, khu văn hóa Hoa Hạ, Mộng Huyễn Cốc, chùa Bích Trí Đàm…
Điều thú vị của Hoành Điếm là không thu phí cảnh quay như các phim trường khác, vì thế nơi đây rất được các nhà làm phim Trung Quốc ưa chuộng và chọn làm bối cảnh chính của vô số bộ phim.
Kể từ khi khởi công xây dựng cho đến nay, sau hơn 20 năm với những lần tu sửa, nâng cấp với những công trình nguy nga, tráng lệ, đòi hỏi tính công phu, tỉ mỉ cao để có thể đẹp trong mọi thước hình. Phim trường Hoành Điếm được chia thành 9 khu vực, phù hợp với các thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó nổi bật là các triều đại Tần, Minh, Thanh, dân quốc, khu phố Hong Kong, công viên danh thắng Hoa Hạ… Kích thước các công trình giống y hệt so với bản gốc. Uớc tính chi phí xây dựng phim trường Hoành Điếm vào khoảng 5 tỷ USD, một con số khổng lồ.
Khi màn đêm buông xuống, đèn đường trên phố đi bộ bật sáng, 1 số người bắt đầu ca hát hoặc biểu diễn nhạc cụ khiến nơi đây sầm uất như 1 thành phố lớn. Sau mùa đông lạnh giá và dịch bệnh năm 2020 đã khiến Hoành Điếm bị "đóng băng" tạm thời, nhưng với sự phục hồi của ngành điện ảnh và truyền hình, cùng sự gia tăng của các video ngắn trên TikTok trong năm nay, các nghệ sĩ biểu diễn nhóm và rất nhiều TikToker đã đổ xô đến đây để mang náo nhiệt trở lại với Hoành Điếm.
Địa điểm quay quy mô và đẹp lung linh đã giúp các nhà làm phim Trung Quốc khẳng định được "vị thế độc tôn" trong dòng phim cổ trang. Trong đó, "Thánh địa quay phim" Hoành Điếm xứng đáng đứng đầu bảng, bởi 2/3 các bộ phim và chương trình truyền hình của Trung Quốc đều được quay ở đây.
Một trong những tòa nhà lớn nhất của phim trường là Cung vua Tần được xây dựng theo phong cách Thời kỳ đầu của Triều đại nhà Tần và nhà Hán. Khu vực đó vẫn thường được sử dụng để quay những bộ phim lấy bối cảnh thời đại này, có thể kể đến như bộ phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghê Mưu; Phim truyền hình dài tập của hãng TVBHong Kong Cỗ máy thời gian kể câu chuyện về Tần Thủy Hoàng; hay bộ phim Vua Kung Fu của Thành Long và Lý Liên Kiệt.
Ngoài việc được coi là thánh địa phim cổ trang Trung Quốc, phim trường Hoành Điếm cũng vô cùng nổi tiếng trên thế giới và trở thành bối cảnh cho nhiều bộ phim quốc tế khác như Hoàng hậu Ki (Hàn Quốc), The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor (Hollywood). Hơn 1.200 bộ phim và chương trình truyền hình đã được quay ở đây, bao gồm cả tác phẩm đoạt giải Oscar của đạo diễn Lý An – Ngọa hổ tàng long.
Hoành Điếm có được doanh thu nhờ những dịch vụ “ăn theo” phim trường như bán vé cho khách du lịch đến tham quan, cho thuê khách sạn, nhà hàng, cho thuê thiết bị phục vụ ê-kip làm phim, cũng như phục trang cho các diễn viên… Thậm chí, các dịch vụ phục trang của Hoành Điểm còn chi tiết tới từng từng triều đại riêng biệt để đảm bảo tính chính xác cao độ của bối cảnh lịch sử trong phim.
Ngày nay, phim trường Hoành Điếm không những là nơi quay các bộ phim cổ trang Trung Quốc mà còn là điểm thu hút khách du lịch với một số điểm tham quan hấp dẫn như: Khu phim trường Quảng Châu và phố Hồng Kông hiện đại, hay những cung điện nguy nga, tráng lệ hệt như trên màn ảnh.