Khánh thành 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua Khánh Hòa và Bình Thuận

Hai tuyến đường cao tốc mới đưa vào sử dụng, sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tới TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam...
cao tốc Bắc - Nam

Chiều 18/6, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lễ khánh thành 2 dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Lễ khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm diễn ra tại Km33+800 (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), đồng thời kết nối trực tuyến với điểm cầu ở lễ khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận).

Dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 2 trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Sau khi 2 dự án thành phần này khánh thành, đánh dấu giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 dự án thành phần, với tổng chiều dài 425km.

Dự kiến, cuối năm nay sẽ thêm 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đưa vào sử dụng, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và cầu Mỹ Thuận 2. Riêng 2 dự án BOT còn lại sẽ hoàn thành năm 2024, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Trong 2 dự án khánh thành hôm nay, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài gần 101 km khởi công năm 2020, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; còn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1 km khởi công năm 2021, là một trong 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP, hợp đồng BOT).

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi 2 tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng, sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tới TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Qua đó, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, hoạt động kinh tế, liên kết vùng, giảm tải cho Quốc lộ 1. Trước khi tổ chức lễ khánh thành, cả 2 tuyến cao tốc này đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác tạm từ ngày 19/5.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có điểm đầu tại huyện Diên Khánh và điểm cuối tại Cam Ranh (Khánh Hoà). Tuyến cao tốc giai đoạn 1 có 4 làn xe (mỗi chiều 2 làn xe chạy), với nền đường rộng 17m và không có làn dừng khẩn cấp, vận tốc khai thác 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.524 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.967 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư hơn 2.556 tỷ đồng. Giai đoạn đầu phương tiện đi cao tốc này chưa phải trả phí, dự kiến tháng 9 tới nhà đầu tư mới bắt đầu thu phí.

Với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, điểm đầu tại xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận) nối với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, điểm cuối nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Giai đoạn 1 của cao tốc này có quy mô 4 làn xe (mỗi chiều 2 làn xe chạy), vận tốc khai thác 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.853 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Do gặp khó khăn trong quá trình thi công, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm tiến độ hoàn thành khoảng nửa năm so với kế hoạch.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết được khởi công trong năm 2020 và 2021, cũng như các dự án khác của giai đoạn 1 đang triển khai xây dựng, trong quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ; có thể kể đến ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng tiến độ kế hoạch, biến động giá nguyên, thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ...

Nhiều thời điểm, nhà thầu phải dừng thi công do không có đất đắp, đây cũng là một trong những lý do chính khiến 3 dự án thành phần bị chậm tiến độ từ 4 - 6 tháng so với kế hoạch, bao gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Tại lễ khánh thành, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cũng đề xuất Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường bộ cao tốc từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức PPP.

Theo quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương là một trong số 10 tuyến cao tốc thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua Khánh Hòa, điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Lâm Đồng. Tuyến cao tốc chiều dài 85km, được quy hoạch với bốn làn xe, đầu tư sau năm 2030.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…