Nhiều chuyên gia cho rằng 10% là mức hợp lý để cắt giảm thua lỗ với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. William O’Neil khuyên bạn nên cắt giảm mọi thua lỗ ở mức 8% so với giá mua ban đầu. Đây cũng là tỷ lệ mà ông Đinh Ngọc Dũng – Chủ tịch HĐQT công ty quản lý quỹ WB lựa chọn trong bộ “bí quyết" đầu tư của mình.
Tại sao lại là 8%? Ông Đinh Ngọc Dũng nói: “Nếu để 1 cổ phiếu bị lỗ 50% thì từ điểm đó cổ phiếu phải tăng giá 100%, bạn mới có cơ hội hòa vốn. Các khoản lỗ nhỏ rồi sẽ được bù đắp bởi những cổ phiếu đang thắng thế”.
Với mức lỗ 8%, bạn sẽ luôn sống sót trong các lần đầu tư tiếp theo, hai lần lỗ nhưng chỉ cần 1 lần lãi 20% là bạn đã cứu được khoản đầu tư của mình. Ngoài ra, cắt lỗ cũng giúp bạn giải tỏa tâm lý và giảm bớt áp lực.
“Hãy bán ra để ngủ cho yên. Tâm lý có thoải mái thì bạn mới có những lựa chọn đúng tiếp theo được” – ông Dũng chia sẻ.
Tâm lý – đó là một yếu tố vô cùng quan trọng khi đầu tư chứng khoán. Theo ông Dũng, đầu tư phải dựa trên các quy tắc, không dựa vào cảm xúc. Khi cổ phiếu giảm xuống âm 8%, bạn đang bị thua lỗ, tâm lý chung là bạn sẽ tiếp tục nắm giữ và hy vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại. Nhưng thực sự thì bạn nên lo sợ vì rất có thể bạn sẽ thua lỗ lớn hơn.
Tất nhiên, ngược lại, khi cổ phiếu tăng giá và bạn đang kiếm được tiền, bạn lại lo sợ có thể bị mất lợi nhuận, và quyết định bán ra quá sớm. Thực tế bạn nên hy vọng vì cổ phiếu giá tăng là dấu hiệu của sức mạnh.
Theo quan điểm khác, một số nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị khẳng định rằng: Khi đã chọn được một cổ phiếu tốt và đánh giá cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị mà chúng ta xác định, thì dù cổ phiếu có giảm đến … 50% vẫn kiên trì nắm giữ. Thời gian sẽ trả lại cho cổ phiếu về giá tương xứng giá trị của doanh nghiệp.
Vậy nên, trước khi đặt câu hỏi lỗ bao nhiêu thì cắt, nhà đầu tư nên xác định rõ ràng phương pháp đầu tư của mình và các quy tắc hợp lý. Ông Đinh Ngọc Dũng chia sẻ một bí quyết quan trọng khi đầu tư chứng khoán, đó là vượt qua phản ứng cảm tính và đầu tư theo quy tắc.
Bạn cần thừa nhận Ngài Thị Trường không biết bạn là ai, chính xác là thị trường không quan tâm đến bạn nghĩ gì hay mong muốn gì, Ngài cũng chẳng bận tâm đến 1 tín đồ đang lo lắng, sợ hãi hay cả tin và tham lam. Bạn cần đứng ngoài thị trường để hiểu các quy luật của thị trường, vì bản tính con người luôn tồn tại, cho nên lịch sử sẽ luôn lặp lại và thị trường luôn đúng. Càng hiểu quá khứ bạn càng dễ dàng nhận ra những cơ hội trong tương lai. Cách duy nhất để vượt qua cảm xúc bản năng là thiết lập các quy tắc mua và bán rõ ràng dựa trên cách thực vận hành của thị trường và nội tại cổ phiếu.
Theo Hà Phương/ Trí Thức Trẻ