Khi đầu tư cổ phiếu lớn cũng không còn an toàn

Nhóm cổ phiếu bluechip luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư giá trị bởi sự cơ bản từ doanh nghiệp tạo nên tâm lý an toàn. Tuy nhiên, những nhận định này có vẻ như không còn đúng trong giai đoạn này khi nhóm này đang là nhóm có mức giảm mạnh nhất.
Khi đầu tư cổ phiếu lớn cũng không còn an toàn

Thế giới vẫn đang chứng kiến sự lây lan của dịch Covid-19 khi số trường hợp nhiễm bệnh hiện tăng lên mốc 380.000 người, trong đó có 16.500 người chết, tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch chưa có dấu hiệu tạo đỉnh, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ.

Các nhà đầu tư trên toàn cầu tiếp tục bán các tài sản rủi ro như cổ phiếu, dù ngân hàng trung ương các nước liên tục có các động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hàng trăm nghìn tỷ vốn hóa bốc hơi

Vn-Index đón chào tuần giao dịch mới bằng 2 phiên đỏ lửa liên tiếp với tổng mức giảm lên đến hơn 50 điểm về quanh vùng 660 điểm. Chỉ số Vn-Index tính đến phiên 25/3 đã giảm hơn 300 điểm so với hồi tháng 1/2020. HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng đã giảm từ vùng hơn 106 điểm xuống 100 điểm, mất gần 6% trong cùng thời gian trên.

Bên cạnh đó, động thái duy trì bán ròng của khối ngoại bất chấp việc thị trường giảm điểm mạnh khiến các chỉ số trở nên hấp dẫn cũng là điểm đáng chú ý.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong ngắn hạn xu hướng chung của thị trường chứng khoán vẫn đang được đánh giá khá tiêu cực. Tâm lý nhà đầu tư đang bất ổn, nên không chỉ chứng khoán mà vàng vốn là công cụ trú ẩn cho đồng vốn cũng bị bán ra để đổi lấy tiền mặt.

Thực tế, việc chỉ số Vn-Index giảm mạnh trong thời gian qua là do các cổ phiếu vốn hóa lớn đều đồng thuận giảm mạnh so với thời điểm cuối tháng 1/2020. Xét trong nhóm VN30 có thể thấy, có tới 8 cổ phiếu giảm hơn 40% trong đó có những cái tên “đình đám” như SAB của Sabeco giảm 50%; BVH của Bảo Việt giảm 48%; VRE của Vincom Reatail giảm 46%; PNJ giảm 44%...

Ngoài nhóm này, cũng có tới 12 mã rổ VN30 giảm trên 30%. Trong đó đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay. Có thể kể đến như VIC của Vingroup giảm 38% khiến vốn hóa của Vingroup “bốc hơi” gần 147.000 tỷ đồng trong 2 tháng.

Là cổ phiếu lớn thứ 2 thị trường về vốn hóa, VCB (Vietcombank) 2 tháng qua cũng đã giảm 38% khiến vốn hóa nhà băng này mất hơn 131.000 tỷ đồng.

Số vốn hóa sụt giảm tại các doanh nghiệp quy mô lớn khác cũng lên tới vài chục cho tới hàng trăm nghìn tỷ như VHM (Vinhomes) mất 114.000 tỷ đồng; BID (BIDV) mất 96.000 tỷ đồng; VNM (Vinamilk) mất hơn 61.000 tỷ đồng…

Theo ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối Kinh doanh Môi giới Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng ngoài ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, việc khối ngoại bán ròng liên tục trong hơn 30 phiên với giá trị xấp xỉ 10.000 tỷ đồng tạo áp lực lớn tới thị trường.

“Xu hướng bán ròng của khối ngoại cũng tập trung vào nhóm VN30 dù đây là những cổ phiếu tốt nhất thị trường được chọn lựa kỹ càng để đưa vào hệ quy chiếu. Đây cũng lại là nhóm giảm mạnh nhất thời gian qua”, ông Hùng chia sẻ.

Nhà giàu cũng khóc

Ghi nhận chia sẻ của một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, “danh mục đầu tư năm 2020 của tôi gồm có 4 ông lơn là SAB, VRE, MWG, PNJ nhưng chưa đi hết ¼ chặng đường của năm, tài khoản đã mất 40%”.

Anh này cho biết thêm, trước khi đầu tư đã đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm 2020 là 20% do một phần là nhà đầu tư không chuyên, một phần muốn đầu tư giá trị nên đã chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để đầu tư với chiến lược an toàn.

Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay là trường hợp bất khả kháng mà các nhà đầu tư cá nhân như trên hay cả những quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể tính toán được.

Thậm chí ngay cả những ông chủ, những nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp cũng là người phải gánh chịu “đau thương”.

Có thể dẫn ví dụ trường hợp của Thaibev trong thương vụ được đánh giá là tiềm năng tại Sabeco, doanh nghiệp nước ngoài này đang phải chịu lỗ hơn 1 nửa giá trị sau 2 năm mua cổ phiếu SAB. Hiện, giá trị của Sabeco chỉ còn khoảng 3,5 tỷ USD trong khi số tiền mà Thaibev chi ra trước đó là hơn 5 tỷ USD cho 53%.

Hay Tập đoàn Masan (MSN), tiếp nối đà giảm sâu từ sau thương vụ bom tấn với Vingroup, những cổ đông chiến lược đang tiếp tục ‘ôm’ lỗ trong bối cảnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu. Tính đến phiên 11/3, cổ phiếu MSN chỉ còn giao dịch tại mức 49.200 đồng/cp, giảm khoảng 45% sau 1 năm và hơn 15% trong quý 1/2020.

Gần đây nhất nhằm ngày 26/2, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) vừa phát hành 64,3 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá bán 27.000 đồng/cp. Danh sách mua vào bao gồm KIM Vietnam Growth Equity đứng đầu số lượng với gần 24 triệu cổ phiếu và KITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund mua 2,65 triệu đơn vị. Đây là 2 quỹ thành viên của nhóm Korea Investment Trust Management Co. (KITMC), một trong công ty quản lý quỹ hàng đầu Hàn Quốc.

Ngoài ra, trước đó quỹ ngoại còn mua cổ phiếu quỹ từ MBB vào tháng 1. Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng, giá trị đầu tư trên đã ‘bay hơi’ gần 41%, khi tính theo thị giá hiện nay của mã MBB chỉ còn 16.000 đồng/cp.

Được quan tâm không kém là việc phát hành 60 triệu cổ phiếu cho Mitsui & Co của Tập đoàn Minh Phú (MPC) hồi giữa năm 2019. Giá chào bán là 50.630,5 đồng/cp, tương đương giá trị thương vụ lên đến 3.038 tỷ đồng (131 triệu USD).

Thực tế, mức thua lỗ có nhiều khả năng sẽ ngày càng sâu hơn bởi diễn biến thị trường chưa có dấu hiệu khả quan. Động thái tích cực nhất hiện nay là những thông báo mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp và ban lãnh đạo nhưng dường như hiệu ứng chỉ mang tính ngắn hạn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm