Đó là phát biểu của lãnh đạo Vietinbank tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng diễn ra tại TPHCM ngày 12/4.
Khóc trên đống tiền
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng (TMCP) Sài Gòn (SCB) nói: Nỗi ám ảnh lớn nhất của các NH thương mại là thu hồi, xử lý nợ và thi hành án. Dự án Rubyland (quận Tân Phú), chủ đầu tư đem thế chấp NH vay vốn rồi lại bán căn hộ cho dân nhưng không trả nợ cho NH. Không được cấp sổ, người dân rất kêu. NH sẵn sàng xuất sổ, chấp nhận phần thua thiệt về mình nhưng tài sản còn thế chấp, chưa xử lý nợ được.
“NH khởi kiện một công ty ở quận 10 hơn 4 năm nhưng đến nay chưa đưa ra xét xử. Tài sản thế chấp là văn phòng cho thuê, tòa không thể mời những người thuê đến xét xử. Nếu là tôi, tôi cũng không đến. Chưa hết, Chi cục Thi hành án Phú Nhuận thi hành án, có đề nghị NH hỗ trợ người bị thi hành án một năm tiền thuê chỗ ở, nhưng chuyện này lùng nhùng từ tháng 6/2016 đến nay", ông Văn nói.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietinbank kể: “Nhiều doanh nghiệp “nát bét” nhưng vay vốn không được vẫn la rất kinh, làm NH bị cấp trên trách móc oan”. “Xin thưa thật với anh Tư (Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong), xử lý nợ xấu là quyền của chủ nợ là NH nhưng chúng tôi không có. Mỗi lần đi đòi nợ rất là đau khổ. Toà án cũng khó xử. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến rất tích cực nhưng không thể ngồi giải quyết từng trường hợp”, ông Dũng trình bày.
Còn ông Nguyễn Thiện Quân, Phó Văn phòng Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam tại TPHCM cho rằng, NH cho vay và thu hồi nợ, vướng mắc không lớn. Chủ trương chính sách đúng đắn, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện. Ông Quân dẫn chứng: Khi tách quận rồi sắp xếp lại, dẫn đến chuyện đoạn đường này nằm ở quận Gò Vấp, đoạn kia lại thuộc quận 12. Giấy chứng nhận ghi là đường Nguyễn Oanh nhưng thực tế nằm trên đường Hà Huy Giáp. Nếu trích lục hồ sơ thì giải quyết được nhưng đến nay NH chưa được giải quyết vì công tác phối hợp của các cơ quan chức năng không tốt.
“Vừa qua, khi NH đề nghị thi hành án khu đất khoảng 10 ha xảy ra chuyện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi hai thời hạn sử dụng khác nhau. 3 ha sử dụng đến năm 2014, số còn lại thời hạn đến năm 2024. Khó khăn là không biết ranh giới đất ở đâu, dẫn đến không thi hành được”, ông Quân cho biết.
Rà soát rồi… trả hồ sơ
Theo phản ánh của một số NH, nhiều chủ sở hữu tài sản thế chấp cố tình gây khó khăn bằng cách rời khỏi nơi cư trú, NH khởi kiện thu hồi nợ thì tòa không thụ lý, trong khi NH đã thực hiện đúng quy định về công chứng và đăng ký giao dịch. Tại TPHCM, có ba quận, gồm: 7, 11, Bình Thạnh làm thủ tục giao dịch đảm bảo chỉ trong một ngày. Các quận huyện còn lại phải mất 3 ngày,...
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nói: “Vấn đề này Sở Tài nguyên và Môi trường phải trả lời. NH, doanh nghiệp rất phiền hà vì trễ một ngày là tiền lãi phát sinh. Tôi từng làm chủ tịch UBND quận 1. Có nhiều vụ chỉ giải quyết trong 1 giờ, đừng nói 1 ngày”.
Ông Tuyến cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, TPHCM tụt hai bậc so với năm 2015. Trong 5 tiêu chí giảm điểm, tiêu chí thiết chế pháp lý mất điểm nhiều nhất. “TPHCM tăng cường công khai minh bạch, lãnh đạo đối thoại với DN,... vì sao vẫn mất điểm? Tìm hiểu mới biết là do các cơ quan nội chính xử lý chậm, cứ rà tới rà lui nhiều lần rồi trả hồ sơ làm người dân rất phiền”, ông Tuyến nói.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Phạm Ngọc Liên giải bày: “Thời gian giải quyết theo quy định là 3 ngày, vì cần đối chiếu chứng từ và theo dõi các thông tin ngăn chặn từ các cơ quan nhà nước. Ba quận giải quyết nhanh là do thành lập sau, trang bị móc máy hiện đại. Nếu máy móc hiện đại, kết nối tốt sẽ giải quyết trong ngày".
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Những vấn đề thuộc thẩm quyền, chúng tôi cam kết giải quyết được. Như công tác thu hồi nợ, đề nghị anh Tuyến mời các đơn vị liên quan, mời Ban Nội chính Thành ủy, Viện Kiểm sát, Tòa án… thành phố cùng phối hợp tháo gỡ cho NH.
Theo Vietnamnet