Trong những số trước, Báo Đấu thầu đã đề cập đến việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) góp vốn thành lập Công ty CP SKYVIET bằng tài sản của Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) với giá trị định giá chưa đến 100 tỷ đồng.
Thương vụ góp vốn này có thể khiến thất thoát tài sản nhà nước và bên hưởng lợi chính là đối tác “đặc quyền” của Vietnam Airlines: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Lãi 75,3 tỷ đồng, định giá Công ty chưa đến 100 tỷ đồng
Báo cáo số 150-BC/ĐU ngày 15/12/2015 của Đảng ủy VASCO đánh giá: nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hàng không trên một số đường bay của Công ty đang khai thác có xu hướng gia tăng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh được Vietnam Airlines giao.
“Tất cả các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước” – báo cáo nhấn mạnh. Cụ thể, ước đến 31/12/2015, VASCO thực hiện được 3.883 chuyến bay thương mại (tăng 5% so với năm 2014), tổng lượng vận chuyển 392 nghìn lượt khách hàng (tăng 95%). Hàng hóa vận chuyển đạt 714 tấn (tăng 109%), hàng hóa vận chuyển đạt 217 nghìn tấn (tăng 11%). Lợi nhuận đạt 75,3 tỷ đồng, gấp 11,3 lần so với kế hoạch và tăng 12,6% so với năm 2014.
Vẫn theo số liệu của VASCO, trong giai đoạn 2010 - 2014, Công ty đạt tổng doanh thu 1.510 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 19,2%/năm. Đặc biệt, lợi nhuận đạt 123,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 61,8%/năm, nộp ngân sách nhà nước 137 tỷ đồng.
Ngoài Techcombank có thể còn một số cá nhân khác tham gia góp vốn thành lập SKYVIET. Nếu đúng vậy, các cá nhân đó là ai mà lại được trao cơ hội sở hữu hãng hàng không với mức đầu tư “nhỏ” theo như lời nhận định của Chủ tịch Techcombank? Một doanh nghiệp làm ăn tốt như VASCO vì sao lại được định giá chưa đến 100 tỷ đồng để đem đi góp vốn thành lập SKYVIET? Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, vào năm 2007, Jetstar Pacific đang chuẩn bị thủ tục phá sản, thua lỗ, song chính Vietnam Airlines góp vốn theo giá trị định giá là 150 triệu USD. Tính theo tỷ giá thời điểm đó, giá trị khoản đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Mỗi công ty có tài sản, lợi thế và vị thế riêng, nên việc so sánh giá trị Jetstar và VASCO chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên, một DN làm ăn có lãi gần 100 tỷ đồng trong năm gần nhất (năm 2015) lại được định giá chưa đến 100 tỷ đồng cho thấy nhiều vấn đề cần được làm rõ.
Thành lập SKYVIET, vì sao thiếu minh mạch?
Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Techcombank, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh đã chia sẻ về khoản đầu tư hợp tác với Vietnam Airlines để xây dựng hãng hàng không SKYVIET. Theo ông Hồ Hùng Anh, đây chỉ là khoản đầu tư nhỏ nếu so với quy mô của ngân hàng và Vietnam Airlines. Hai bên có quan hệ hơn 10 năm, trước đây Techcombank là cổ đông lớn và hiện còn tham gia một phần vào vốn của VNA. Ngân hàng tham gia vốn vì kỳ vọng sự phát triển của VNA và quan hệ này mang về lợi nhuận rất lớn cho Ngân hàng.
Trong lộ trình tiếp theo, Techcombank không nghĩ duy trì khoản đầu tư này lâu, mà hiện chỉ duy trì ở mức củng cố quan hệ giữa hai bên. Vẫn theo ông Hồ Hùng Anh, khoản đầu tư này thông qua công ty quản lý quỹ của Ngân hàng và một số nhà đầu tư mong muốn tham gia vào SKYVIET, chứ Techcombank không trực tiếp góp vốn, nên không đưa vào báo cáo. Với vai trò là cổ đông Vietnam Airlines, Techcombank có thể sẽ hỗ trợ VASCO tái cấu trúc. Như vậy, ngoài Techcombank có thể còn một số cá nhân khác tham gia góp vốn thành lập SKYVIET.
Nếu đúng vậy, các cá nhân đó là ai mà lại được trao cơ hội sở hữu hãng hàng không với mức đầu tư “nhỏ” theo như lời nhận định của Chủ tịch Techcombank? Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trịnh Quốc Cường, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường tài chính cho biết, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động là chủ trương đúng đắn đang được Chính phủ thúc đẩy quyết liệt.
Tuy nhiên, việc góp vốn vào một doanh nghiệp như VASCO không qua đấu giá cổ phần cạnh tranh là hết sức khó hiểu “Trong trường hợp đấu giá VASCO không có ai mua hoặc trả giá quá rẻ, Techcombank vào cuộc tham gia mới thể hiện thiện chí quan hệ đối tác với Vietnam Airlines. Việc không đấu giá mà lựa chọn phía Techcombank là nhà đầu tư duy nhất, không qua đấu giá thể hiện sự không khách quan, minh bạch của cả phía Ngân hàng và Vietnam Airlines” – ông Cường phân tích. Trên thực tế, theo Báo cáo số 150-BC/ĐU ngày 15/12/2015 của Đảng ủy VASCO, đến cuối năm 2015 ban lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn “Chủ động phối hợp với Tổ đề án của Tổng công ty trong việc xây dựng Đề án thành lập Công ty TNHH MTV VASCO.
Trong lúc chờ cấp thẩm quyền quyết định đề án thành lập công ty mới trên cơ sở tổ chức lại VASCO, Đảng ủy và Ban giám đốc vẫn lãnh đạo hoàn tất các thủ tục về tổ chức, cán bộ theo mô hình VASCO là chi nhánh của Vietnam Airlines”. Như vậy, chỉ sau lời đề nghị của Techcombank, Vietnam Airlines mới “bẻ lái” chủ trương tổ chức lại VASCO theo mô hình Công ty TNHH MTV (100% vốn nhà nước) sang Công ty CP SKYVIET mà tư nhân chiếm đến 49%.
Theo Báo Đấu thầu