Khoảng trống của ngành ngân hàng trong thế khó

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch, các ngân hàng đã đồng loạt triển khai chính sách hỗ trợ bằng chính "tiền túi". Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Khoảng trống của ngành ngân hàng trong thế khó

Thông tư 01/2020/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành, quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều này sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp tránh bị rơi vào nợ xấu, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận gói tín dụng gần 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng thương mại.

Theo TS.Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Viet Nam, trong ngắn hạn và nếu có một chiến lược rút lui thành công thì việc giải ngân sau Thông tư 01 sẽ có lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng chung tay hỗ trợ vừa là sự chia sẻ, vừa là sự hy sinh và cũng là vì lợi ích của chính ngành ngân hàng.

Song, vị tiến sĩ trên cũng đưa ra lưu ý, việc phía nhà điều hành cho phép không đưa nợ của doanh nghiệp gặp khó khăn vào nhóm nợ xấu trong năm nay, mà đưa vào nợ tái cơ cấu sẽ khiến nợ xấu bị nén lại và đẩy rủi ro về tương lai. Các ngân hàng theo đó phải tăng trích lập dự phòng.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất mà không sử dụng Ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp đã khiến biên lãi gộp từ hoạt động tín dụng bị hạ xuống. Như vậy, riêng mảng tín dụng trong năm nay của ngân hàng dự kiến sẽ bị giảm cả về số lượng lẫn chất lượng.

Đặc biệt, Chỉ thị số 02/CT của Thống đốc NHNN ra đời yêu cầu các ngân hàng phải chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Trước mắt, các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Với những diễn biến kể trên, có không ít cổ đông tỏ ra lo ngại về quyền lợi của mình bởi lẽ ngân hàng cũng là doanh nghiệp, là công ty cổ phần đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Thậm chí, nhiều ngân hàng có cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, ngân hàng bị rơi vào thế khó, phải cân đo lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Nhưng gặp khó sẽ ló cái khôn, vẫn còn một vài khoảng trống để các ngân hàng giải quyết vấn đề này, thông qua vai trò của các công ty “sân sau”, hay công ty thân hữu.

Tại Việt Nam, không khó để tìm hiểu về doanh nghiệp thân hữu, hoặc công ty “sân sau” đúng nghĩa của ngân hàng. Theo đó, các công ty "sân sau", công ty thân hữu vay lượng vốn hỗ trợ lớn với lãi suất thấp. Lượng vốn này, như thường lệ, được sử dụng để cho vay lại, hay mua lại những doanh nghiệp có chất lượng tốt nhưng bị khủng hoảng về tài chính, doanh thu vì dịch bệnh. 

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi các gói hỗ trợ mà hệ thống ngân hàng công bố là không sử dụng ngân sách, mà sử dụng vốn của ngân hàng. Nói cách khác, sự giám sát của cơ quan chức năng, ở đây là ngân hàng nhà nước và một số cơ quan khác, là không có nhiều thay đổi so với khi ngân hàng cho vay thương mại trong điều kiện bình thường.

Việc "bơm" vốn rẻ qua các công ty thân hữu, công ty "sân sau" cũng tạo độ an toàn vốn cao cho các ngân hàng, giải quyết được nhiều vấn đề cho ngân hàng như thanh khoản, huy động... Thậm chí là gỡ khó cho ngân hàng ngay ở thủ tục thế chấp khi vay vốn của doanh nghiệp, khi chính các cổ đông lớn của ngân hàng đảm bảo cho các khoản vay của nhóm doanh nghiệp này, như vậy có thể thông qua hết quy trình của tín dụng.

Cho công ty "sân sau", công ty thân hữu vay vốn rẻ cũng khó phát sinh thêm nợ xấu, và biên lãi gộp có thể cao hơn do lãi suất đầu ra được tự các ông chủ cân đối.

Cần lưu ý rằng, dù công bố các gói hỗ trợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng sẽ rất khó tin nếu ngân hàng hồn nhiên cho vay hết toàn bộ gói hỗ trợ tới các doanh nghiệp khách hàng. Dịch bệnh đang diễn biến khó lường, năng lực tự vệ và hồi phục của doanh nghiệp đang suy yếu. 

Và vì thế, cho vay toàn bộ gói hỗ trợ mà không làm chủ được khoản vay đó sẽ biến lựa chọn hưởng ứng lời kêu gọi của nhà điều hành thành thành canh bạc có độ rủi ro rất cao về kinh doanh của ngân hàng. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...