Khủng hoảng Covid-19: Chuyên gia dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu

Hy vọng về việc Covid-19 có thể được kiểm soát đã tan biến vào tuần này khi các ca nhiễm bệnh lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, thúc đẩy các quốc gia bắt đầu dự trữ thiết bị y tế và nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ.

Thị trường chứng khoán đã có một tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do sự gián đoạn đối với các chuỗi cung ứng và du lịch quốc tế làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ và khu vực đồng euro. 

Tại Trung Quốc đại lục - nơi khởi nguồn của virus - đã báo thêm 327 trường hợp mới vào hôm nay, mức thấp nhất kể từ 23/1. Nhưng các ca nhiễm mới được báo cáo ở các nơi khác trên thế giới đã vượt qua cả con số ở Trung Quốc trong hôm nay, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết. 

“Các quốc gia không nên chủ quan và cho rằng mình không có khả năng nhiễm bệnh,” ông Tedros nhắc tới Ý, nơi đã có 17 người tử vong trong đợt bùng phát dịch bệnh. 

Reuters đã thực hiện một cuộc kiểm đếm cho thấy đã có gần 10 quốc gia mới báo cáo về trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên trong nước trong 24 giờ qua. 

Dự trữ thiết bị y tế

Ngoài việc dự trữ vật liệu y tế, chính phủ các nước đã yêu cầu trường học đóng cửa và huỷ bỏ các cuộc tụ họp lớn, bao gồm cả sự kiện thể thao, để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. 

Chính quyền TT Donald Trump hiện đang xem xét việc triệu tập các nguồn lực đặc biệt để nhanh chóng mở rộng sản xuất đồ bảo hộ y tế, hai quan chức tiết lộ. 

Tại châu Âu, các trường hợp nhiễm bệnh tại Pháp đã tăng gấp đôi, Đức đưa ra cảnh báo cấp cao về khả năng bùng phát dịch bệnh và Hy Lạp - một cửa ngõ cho những người tị nạn Trung Đông - tuyên bố kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. 

Số người có kết quả dương tính với Covid-19 tại Ý đã tăng thêm 200, nâng tổng số lên 650 người tính đến thời điểm hiện tại. Đức có 27 ca nhiễm, Pháp có 18 và Tây Ban Nha là 15. 

Ngân hàng đầu tư BofA của Hoa Kỳ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng thế giới xuống mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết đại dịch Covid-19 sẽ gây ra suy thoái trên toàn cầu trong nửa đầu năm nay. 

Những lo ngại mới nhất

Thế giới hiện đang lo ngại về những trường hợp nhiễm virus một lần nữa sau khi đã được chữa khỏi. Đã có báo cáo về một số bệnh nhân tại Trung Quốc và Nhật bản có kết quả xét nghiệm dương tính lần thứ hai đối với virus Covid-19. Điều này cho thấy, việc người bệnh được chữa khỏi không mang lại khả năng miễn dịch. 

Hồng Kông đã cho cách ly một thú cưng của bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau khi chú chó này có kết quả “dương tính thấp” (kết quả dương tính chưa rõ ràng) đối với virus, mặc dù không có bất kỳ triệu chứng nào. Các xét nghiệm tiếp theo sẽ được tiến hành để xác nhận liệu chú chó có bị nhiễm bệnh hay không. 

Các nhà khoa học cũng cảnh báo, vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về chủng virus này, thậm chí bao gồm cả thời gian nó có thể tồn tại trên bề mặt vật. “Trên bề mặt thép và đồng thì khá điển hình - trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Nhưng trên những bề mặt khác, như bìa cứng hoặc nhựa, thời gian virus tồn tại có thể là lâu hơn, chúng tôi vẫn đang xem xét điều này,” Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Robert Redfield cho biết. 

Ông cũng nhân xét, việc lây nhiễm virus dễ xảy ra khi chúng ta tiếp xúc với bề mặt đồ vật hơn là qua không khí, điều này có thể giải thích cho sự bùng phát trên tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản, nơi có khoảng 700 hành khách và nhân viên nhiễm bệnh. 

Nguồn: Reuters

Có thể bạn quan tâm