Bước vào những tuần giao dịch đầu tiên của quý II, một tâm lý e dè thấp thỏm nghe ngóng dường như đang bao trùm lên các nhà đầu tư trong thời gian gần đây, thanh khoản cả thị trường “tụt áp”, chỉ số Vn-Index đi ngang với biên độ mỏng quanh mốc 990 điểm.
Động lực tăng không rõ ràng Nhìn vào diễn biến của thị trường trong 3 tháng vừa qua có thể thấy, thị trường tăng trưởng mạnh nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán và đã vượt qua mốc “đáng sợ” 1.000 điểm, nhưng khoảng nửa cuối tháng 3 cho đến đầu tháng 4, thị trường suy yếu quay đầu điều chỉnh.
Tuy nhiên, tính chung trong quý I thì cả 3 chỉ số của thị trường bao gồm Vn-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng lần lượt đạt 9,9%, 3,1% và 8,9% so với cuối năm 2018.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại buổi họp báo quý I về tình hình thực hiệnnhiệm vụ tài chính – ngân sách mới đây, quy mô thị trường chứng khoán tính đến ngày 18/3 đạt trên 81% GDP, tăng 14% so với cuối năm 2018.
Thực tế, tác động của những thông tin tích cực của nền kinh tế vĩ mô đã được phản ánh khá rõ nét vào thị trường chứng khoán trong quý I, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia thì xu hướng tăng trưởng này không rõ ràng.
Bởi, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 22% trong quý I thì thị trường chứng khoán Việt vẫn chưa đạt được 10% trước dấu hiệu sụt giảm của dòng tiền ngoại so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ quý I/2018, dòng tiền ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán là nhờ những sự kiện thoái vốn lớn đình đám, trong khi đó quý I/2019, chưa có sự kiện thoái vốn nào đáng chú ý và thu hút được dòng tiền ngoại, dòng tiền trong nước cũng suy yếu.
" Giới đầu tư tỏ ra lo ngại thị trường chuẩn bị rơi vào nhịp điều chỉnh kéo dài, mốc hỗ trợ đầu tiên là 960 điểm và nếu để thủng mốc này, Vn-Index có khả năng sẽ giảm về vùng 920 điểm và nhóm cổ phiếu lớn sẽ là nhóm chịu tác động mạnh nhất.
Mùa ĐHĐCĐ diễn ra trong suốt tháng 4 luôn được coi là cơ hội của những nhà đầu tư chứng khoán với những thông tin về kết quả kinh doanh khả quan sẽ được lãnh đạo doanh nghiệp hé lộ. Tuy nhiên, lý thuyết này có vẻ đang lệch nhịp tại mùa ĐHĐCĐ 2019.
Tính đến thời điểm hiện tại, khi mùa ĐHĐCĐ đã đi được một nửa quãng đường, nhiều con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ cũng đã được công bố.
Như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB) kết thúc quý I, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.886 tỷ đồng, tăng 68% tương đương gần 700 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) ước doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng, đạt 146% so với kế hoạch quý. Theo đánh giá của CTCK KBSV, nhìn chung lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2019 vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực ở số đông, tuy nhiên sẽ khó có đột biến mạnh như trong các quý đầu năm 2018.
Sẽ tiếp tục giằng co?
Trước những diễn biến của thị trường trong thời gian qua, CTCK BSC cho rằng, các chỉ số vẫn đang khá tích cực dù động lực tăng điểm không rõ ràng trên ngưỡng tâm lý 1.000 điểm đang là trở ngại khi mùa công bố kết quả kinh doanh đang dần kết thúc.
Theo đó, Vn-Index sẽ tiếp tục diễn biến giằng co trong quý II, tăng điểm nhẹ trong nửa đầu tháng 4 và sau đó điều chỉnh nửa cuối tháng 4 đến tháng 5. Đặc biệt, trong tháng 5 và 6 thị trường sẽ rơi vào vùng trũng thông tin.
Theo BSC, trong trường hợp tích cực, chỉ số Vn-Index sẽ giữ vững 950 điểm ở nhịp điều chỉnh và kiểm tra ngưỡng cản 1.050 điểm trong quý II. Xu hướng vận động vẫn quanh các mã cổ phiếu lớn với hỗ trợ của dòng vốn ngoại.
Ở chiều ngược lại, Vn-Index có thể giảm dưới 950 điểm khi thị trường điều chỉnh chu kỳ và gặp nhiều thông tin bất lợi từ thế giới.
Cũng đưa ra quan điểm thận trọng cho thị trường chứng khoán trong quý II, CTCK Everest dự báo Vn-Index sẽ biến động trong biên độ từ 940-985 điểm.
Theo một chuyên gia chứng khoán, những rủi ro vẫn hiện hữu trong quý II bởi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ lực chốt lời gia tăng tại thị trường chứng khoán Mỹ sau giai đoạn tăng trưởng mạnh hồi quý I.
Cũng theo vị chuyên gia này, những yếu tố tích cực như Cục Dự trữ Liên bangMỹ (Fed) giữ ổn định lãi suất, câu chuyện Mỹ và Trung Quốc đi đến đàm phán đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu trong quý I càng củng cố thêm diễn biến thiếu tích cực của thị trường thế giới.
Tất nhiên, thị trường chứng khoán Việt sẽ không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng. Đặc biệt, trước diễn biến thanh khoản sụt giảm “thê thảm” như hiện nay, giới đầu tư tỏ ra lo ngại thị trường chuẩn bị rơi vào nhịp điều chỉnh kéo dài, mốc hỗ trợ đầu tiên là 960 điểm và nếu để thủng mốc này, Vn-Index có khả năng sẽ giảm về vùng 920 điểm và nhóm cổ phiếu lớn sẽ là nhóm chịu tác động mạnh nhất.
Dù ở thời điểm hiện tại, thị trường chưa xuất hiện các tín hiệu tích cực báo hiệu một đợt tăng trưởng mạnh về giá, song cơ hội đã xuất hiện ở số ít nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng và hấp dẫn dòng tiền.
Hơn nữa, trong quý II, Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) theo kế hoạch và hoàn thiện hồ sơ sửa Luật kinh doanh bảo hiểm 2020, theo dõi và hoàn thiện dự thảo nghị định về bảo hiểm vi mô tho ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vốn được coi là một kênh hấp dẫn những dòng tiền lớn, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát và đánh giá 2 năm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, về chiến lược đầu tư, các CTCK vẫn đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức trung bình thấp trong giai đoạn hiện tại, chờ đến khi thị trường chung xuất hiện các tín hiệu giao dịch tích cực hơn.