Quý 3/2016 tiếp tục là quý kinh doanh tăng tốc của nhiều doanh nghiệp để sớm cán đích mục tiêu kế hoạch cả năm. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, tiêu thụ tăng cao… giúp cho lợi nhuận khởi sắc hơn.
Lợi nhuận Kido tăng 10 lần
Ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, CTCP Tập đoàn KIDO (mã: KDC) là một trong số các công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 3/2016 sớm nhất và lợi nhuận ấn tượng nhất. Theo đó, trong quý 3, Kido ghi nhận lợi nhuận gộp gần 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 868 tỷ đồng, cao gấp 9,8 lần so với cùng kỳ năm trước (báo lãi 80 tỷ đồng).
Luỹ kế lợi nhuận 9 tháng qua của Kido đạt 1.193 tỷ đồng, hoàn thành 79,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ vào việc ghi nhận doanh thu từ việc chuyển giao 20% còn lại của mảng bánh kẹo và mảng kem ghi nhận doanh thu tăng trưởng khá, đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng doanh thu 9 tháng toàn tập đoàn 1.445 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Từ quý 2/2016, Kido đã tận dụng thế mạnh về chuỗi cung ứng ngành lạnh, các sản phẩm đông lạnh đóng gói liên tiếp đã giúp tăng mạnh doanh thu và tỷ suất sinh lợi cao. Nhất là mảng kem với biên lợi nhuận gộp đạt mức cao 60%. Trước đó, tập đoàn đã tập trung đầu tư xây dựng nhà máy kem tại Bắc Ninh và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11/2016, giúp mở rộng công suất, tiết kiệm chi phí, nhờ đó doanh thu kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Chia sẻ với cổ đông trước đó, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết kế hoạch lợi nhuận năm 2016 sẽ tăng đột biến, đạt mức 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là dầu ăn, kem KIDO, bánh bao cấp lạnh và từ việc chuyển nhượng 20% mảng bánh kẹo còn lại trong năm nay. Do đó, cổ đông dự kiến được chia cổ tức ở mức 20% bằng tiền mặt.
Đáng chú ý là tháng 10 vừa qua, KIDO đã được UBCK chấp thuận việc chào mua công khai cổ phần của CTCP Dầu thực vật Tường An (mã: TAC) với tỷ lệ tới 65% vốn điều lệ và thực hiện sáp nhập hoạt động của TAC vào tập đoàn trước cuối năm 2016…
Ở lĩnh vực xây dựng, CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) cũng vừa cho biết kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, trong quý 3, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.317 tỷ đồng, tăng 39%; lợi nhuận trước thuế đạt 455,6 tỷ đồng, tăng 64,75% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 366 tỷ đồng, tăng 74,1%...
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Coteccons đạt doanh thu thuần 13.461,69 tỷ đồng, tăng 64,31% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt 1.190,5 tỷ đồng, tăng mạnh 90% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 961,44 tỷ đồng, tăng 131,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty mẹ. Kết quả này có được là nhờ năm nay, Coteccons đã triển khai thi công nhiều dự án bất động sản lớn như Goldmark City, Vinhomes Thăng Long, Ecopark… với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
DAP- Vinachem báo lỗ 324 tỷ đồng
Trong khi các doanh nghiệp lớn hoan hỉ báo lãi lớn, thì không ít công ty tên tuổi vẫn tiếp tục có quý kinh doanh ảm đạm, lợi nhuận èo uột. Trên sàn chứng khoán, công ty CP DAP-Vinachem (mã DDV) vừa báo lỗ lớn trong quý 3/2016 và nâng lỗ luỹ kế 9 tháng lên 324 tỷ đồng.
Theo BCTC, doanh thu quý 3 sụt giảm tới 57%, chỉ đạt 262 tỷ đồng và lợi nhuận âm gần 112 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước báo lãi 15,8 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng, doanh thu đạt gần 842 tỷ đồng, giảm 54% và lỗi lũy kế nâng lên đến 324 tỷ đồng. Lý do vì trong quý 3, DAP Vinachem vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá bán hàng giảm sâu, chi phí tài chính tăng gần 48% lên mức 16,7 tỷ đồng… Nhất là chi phí lãi vay bị đội lên do hai ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ nên lãi suất tăng (Vietinbank- chi nhánh Hà Nội từ 5% lên 7%/năm, ngân hàng BIDV từ 5% lên 8,5%/năm).
Do thua lỗ lớn nên tính đến 30/09/2016, DAP –Vinachem ghi nhận lô lũy kế gần 321 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 1.145 tỷ đồng… và khó có thể hoàn thành mục tiêu doanh thu 2.842 tỷ đồng và 48 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của cả năm nay.
Tương tự, CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã: PVB) vừa cho biết kết quả lợi nhuận khá èo uột của quý 3. Cụ thể, doanh thu quý 3 chỉ đạt … 1,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 165 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 37 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 20,5 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng qua, PVB ghi nhận tổng doanh thu hơn 4 tỷ đồng, chỉ bằng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,6% kế hoạch năm (249,5 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế âm 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 90,95 tỷ đồng và khó có thể đạt mục tiêu cả năm là lãi 4,7 tỷ đồng.
Theo lý giải của PVB, lợi nhuận sụt giảm mạnh là do trong quý 3, toàn bộ các dự án trong ngành dầu khí đều giãn tiến độ, chưa triển khai nên ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của PVB, gây thua lỗ lớn. Công ty CP ô tô TMT (mã: TMT) cũng có quý kinh doanh ảm đạm khi doanh thu giảm mạnh 29%, chỉ đạt 2.004 tỷ đồng trong 9 tháng qua.
Riêng quý 3, doanh thu chỉ đạt 527 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước mà nguyên nhân do ảnh hưởng lớn từ dòng sản phẩm Sinotruk. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ đạt gần 47,4 tỷ đồng. Kết quả này còn cách rất xa mục tiêu đạt ra là 5.803 tỷ đồng doanh thu và 256,3 tỷ đồng lãi sau thuế.
Thu Hằng