Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có Báo cáo số 7802/BC – HĐTĐLN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức PPP.
Trên cơ sở tổng hợp Phiếu xin ý kiến thành viên Hội đồng về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cập nhật tháng 9/2022 đã có 12/13 thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý, đạt điều kiện thông qua theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức PPP.
Hội đồng thẩm định liên ngành thống nhất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định liên ngành cũng đồng thuận việc điều chỉnh quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ của Dự án từ 2 làn xe, chiều rộng nền đường 13,5m thành 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m để thống nhất về quy mô mặt cắt ngang với đoạn tuyến Dầu Giây - Tân Phú và đoạn tuyến Bảo Lộc - Liên Khương.
Về phương án bố trí làn dừng xe khẩn cấp, Hội đồng cho rằng, tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (trong đó có đoạn tuyến Tân Phú - Bảo Lộc) được xây dựng để góp phần giảm tải cho Quốc lộ 20 hiện hữu (nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng) là tuyến đường có lưu lượng, mật độ phương tiện giao thông rất cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt là những dịp lễ Tết.
Vì vậy, Hội đồng đánh giá việc đề xuất quy mô mặt cắt ngang nền đường, thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ cần hạn chế tình trạng xảy ra mất an toàn, ảnh hưởng đến việc lưu thông và những bất cập phát sinh khi vận hành, khai thác đường cao tốc mà đoạn dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục như tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hội đồng ghi nhận việc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cập nhật của Dự án đã bổ sung thuyết minh về phương pháp lập tổng mức đầu tư Dự án.
Trong đó, tổng mức đầu tư Dự án được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất theo phương án thiết kế sơ bộ của Dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất, tính chất dự án tương tự đã thực hiện, có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án... theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành thuộc Bộ Xây dựng cho rằng việc Dự án tham khảo suất đầu tư xây dựng của các Dự án đường cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần phải xem xét một cách cẩn trọng, vì điều kiện địa hình, địa chất của 2 dự án nói trên không có sự tương đồng với dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, đồng thời dự án đường cao tốc Chí Thanh - Vân Phong chưa hoàn thành công tác thi công xây dựng nên chưa đủ cơ sở thực tế để có thể tham khảo về suất đầu tư xây dựng.
Về nguồn vốn đầu tư cập nhật, thành viên Hội đồng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước chủ yếu là ngắn hạn; do đó, các tổ chức tín dụng khó cân đối nguồn vốn để cho vay với thời hạn dài.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện dự án, Hội đồng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tính toán, đánh giá kỹ các phương án đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn vốn cụ thể, đảm bảo tính khả thi của việc huy động vốn. Đồng thời, trong các bước tiếp theo, UBND tỉnh Lâm Đồng cần tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, đấu thầu để lựa chọn được nhà đầu tư, đảm bảo việc lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật và có đủ năng lực để thực hiện Dự án.
Tổng mức đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tăng lên 17.200 tỷ đồng
Về phương án tài chính cập nhật, Hội đồng đánh giá các dữ liệu của phương án tài chính trong bước này mang tính chất sơ bộ; mức vốn chủ sở hữu, mức vốn vay, lãi suất vốn vay, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mới là tạm tính.
Tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cập nhật, ngoài quy mô phân kỳ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cập nhật lại điểm đầu Dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Do đó, chiều dài toàn tuyến giảm từ 67 km (đi qua Đồng Nai 11 km, tỉnh Lâm Đồng 56 km) xuống còn 66 km (đi qua Đồng Nai 11 km, tỉnh Lâm Đồng 55 km).
Bên cạnh đó, khái toán tổng mức đầu tư cũng được cập nhật từ khoảng 16.220 tỷ đồng; nay tăng lên thành 17.200 tỷ đồng.