Bộ trưởng Bộ KH&ĐT là Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành báo cáo tiền khả thi cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT là Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành báo cáo tiền khả thi cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư.

Theo quyết định số 975/QĐ-TTg, Hội đồng thẩm định liên ngành có Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên của Hội đồng gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).

Hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Hội đồng và nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và bố trí kinh phí thẩm tra và thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định.

Các thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Trước đó, tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án Thăng Long có đề nghị Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn I. Đây được xem là đoạn thiết yếu của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Theo đó, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 59,6km có điểm đầu giao với quốc lộ 1 (trùng với điểm cuối cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, TT Dầu Giây, Huyện Thống Nhất) và điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 (đoạn thuộc xã Phú Trung, Huyện Tân Phú). Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công xây dựng là hơn 6,6 ngàn tỷ đồng.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng công trình dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1,3 ngàn tỷ đồng thực hiện dự án. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án giai đoạn 1 dưới 15,5 năm khai thác.

Về thời gian thực hiện, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (bao gồm cả thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án) từ quý IV/2021 - quý I/2022; khởi công công trình vào quý IV/2022; hoàn thành công trình và đưa vào khai thác vào quý I/2025.

Có thể bạn quan tâm