Kiến tạo sức bật mới cho phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành KTXH của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, tập trung vào 3 khía cạnh lớn.
Kiến tạo sức bật mới cho phát triển

Trước đó, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề này, với nhiều quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp mới.

Kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của toàn bộ nền kinh tế

Nghị quyết nêu rõ, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nâng cao năng lực kiến tạo, quản trị quốc gia và năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp… Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội…

Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin về các nguồn lực trong nền kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế…

Nghị quyết cũng giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương, làm rõ thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực.

Nghị quyết nêu nhiều nhiệm vụ cụ thể, đáng chú ý như cần sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh hạn điền, thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

“Đổi mới cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tôn trọng tính phổ biến hơn là nhấn mạnh tính đặc thù; định vị vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tập trung vào định hướng, dẫn dắt và thực hiện những dịch vụ công, đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực hoặc không có nhu cầu đầu tư”, Nghị quyết nêu rõ.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo lực đẩy để Việt Nam quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, tập trung vào 3 khía cạnh lớn.

Thứ nhất là cách tư duy và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm trở lại đây, trong đó phải chỉ ra được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn, cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc.

Thứ hai là những khía cạnh quản trị của Chính phủ. Những mục tiêu như Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính... khó đi vào thực tiễn nếu không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sự sức bật mới cho sự phát triển. Trong đó Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tập trung vào giữ vững sự ổn định về chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.

Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả DNNN và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa. Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.

Thủ tướng kỳ vọng, Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được ban hành ngay đầu năm sẽ tạo ra một hấp lực mới cho môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2019.

Từ năm 2019, Chính phủ sẽ ưu tiên chính sách cho đầu tư vào vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đặt chương trình nghị sự ưu tiên trong những năm tới dành cho cải cách giáo dục, trong đó đặc biệt là nền giáo dục đại học, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng tối thiểu và phù hợp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng chi cho khoa học và công nghệ, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển sẽ cũng là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ từ năm 2019.

Theo Hà Chính/Báo Chính phủ

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...