Theo báo cáo sơ bộ của ngành hải quan, tháng 4/2024, xuất khẩu rau quả ước đạt khoảng 539,8 triệu USD tăng gần 14,9% với tháng trước và tăng 37,8 % so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số chưa từng có của ngành rau quả Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu, 4 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Thái Lan vẫn là nhà nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Cụ thể, dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc hiện đang chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.
Các vị trí tiếp theo thuộc về thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59%; Mỹ đạt 67,7 triệu USD, tăng 30%. Đặc biệt, thị trường Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng vọt 112%.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đạt được kết quả tăng trưởng như vậy là do sự đóng góp của sầu riêng nghịch vụ. Dự báo từ cuối tháng 4, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ tăng lên.
Trong các thị trường tiêu thụ sầu riêng nhiều nhất, Trung Quốc vẫn đang là thị trường tiềm năng cho trái sầu riêng Việt Nam. Đặc biệt, trong khi các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu hoạch theo mùa vụ thì Việt Nam lại được thu quanh năm.
Bên cạnh đó, nhập khẩu rau quả tháng 4/2024 đạt gần 150 triệu USD, giảm gần 4% so với tháng trước nhưng tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhập khẩu rau quả đạt 642 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 469,9 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng 2/2024 và tăng 13,2% so với tháng 3/2023.
Tính chung quý 1/2024, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,28 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lần đầu tiên trong quý 1 các năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến năm 2024, xuất khẩu mặt hàng rau quả, trong đó có sầu riêng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Thực tế, sản lượng sầu riêng của Việt Nam mỗi năm đều tăng 15 - 20%. Nếu số lượng mã số vùng trồng nhiều hơn và thêm nghị định thư của sầu riêng đông lạnh thì kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3 - 3,5 tỷ USD/năm.
Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Được biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này cho thấy dư địa ngành hàng này còn rất lớn.
Về công tác quản lý chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý 1/2024, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 99,6%, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường năm 2024.
Ngoài ra, với những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024 ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6 - 6,5 tỷ USD, tăng trưởng ở mức 15 - 20% so với năm 2023.
Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng về văn hóa ẩm thực.