Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc bùng nổ, sầu riêng vẫn là điểm sáng

Với kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là 3,4 tỷ USD, Việt Nam đã nổi lên như một hiện tượng tại thị trường tỷ dân. Thành công này phần lớn nhờ sầu riêng…

nen-rau-qua-9078.jpg
Việt Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc

Ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang có bước tiến thần tốc tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng vẫn là một điểm sáng và được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn nữa trong năm 2024.

"HIỆN TƯỢNG" VIỆT NAM

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 1/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả đã mang về trên 510 triệu USD, tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả đã đạt 460 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhìn chung, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh tới 70%, đạt giá trị 970 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài, sầu riêng.

Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, năm 2023, quốc gia tỷ dân đã chi hơn 24 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng rau quả và sản phẩm chế biến của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Đáng chú ý, Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt hẳn Chile để trở thành quốc gia xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc nhiều thứ 2 với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần xuất khẩu rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023.

Xuất khẩu các loại rau quả của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh gồm xuất khẩu mít tăng 44,6%, xoài tăng 44,2%, ớt tăng 34,5%...

mit-293.jpg
Kim ngạch xuất khẩu mít sang Trung Quốc tăng 44,6%

“Nếu nông sản Việt Nam được khơi thông một cách liên tục với những giải pháp là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ. Thì tiềm năng lợi thế của ta về nông sản xuất sang Trung Quốc chắc chắn không dừng ở cái mức 20 - 30%”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.

Hiện nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.

Sau chuyến công tác sang Trung Quốc vào tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, trái cây của nước ta có lợi thế khi vào thị trường Trung Quốc.

Khi làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), doanh nghiệp hai bên đã đi đến thỏa thuận xây dựng chuỗi logistics để các sản phẩm trái cây của Việt Nam thông qua chợ đầu mối ở tỉnh này có thể tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, trung tâm nông sản ở Thâm Quyến cũng muốn tăng cường hợp tác để đưa các mặt hàng nông sản Việt vào trung tâm, trong đó có mặt hàng rau quả.

Năm 2024, ngành rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%, tương đương 6,5 - 7 tỷ USD. Đặc biệt, 4 sản phẩm sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt từ 6,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, để giữ được thị trường Trung Quốc, lãnh đạo ngành nông nghiệp và các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nông dân và doanh nghiệp Việt cần duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc để có thể tận dụng được cơ hội xuất khẩu.

SẦU RIÊNG VẪN LÀ ĐIỂM SÁNG ĐẦY TIỀM NĂNG

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng chủ yếu do xuất khẩu sầu riêng (mã HS 0810.60.00) tăng cao đột biến.

Theo thống kê của Hiệp hội rau quả Việt Nam, năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 493.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, với trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022.

Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh lên 34,6%. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt hơn 4.332 USD/tấn.

sau-rieng-5213.jpeg
Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn là điểm sáng

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường tỷ dân như Trung Quốc hiện rất lớn. Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc, năm ngoái thị phần giảm xuống còn hơn 65%, đạt 929.000 tấn, trị giá 4,57 tỷ USD.

Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022.

Từ xuất khẩu tiểu ngạch, sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng sản xuất, đóng gói theo tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc nên số lượng xuất khẩu ngày càng tăng.

Việt Nam cũng có những ưu thế so với các nước xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc như có diện tích lớn, sầu riêng ở các nước chỉ có theo mùa còn Việt Nam thu hoạch quanh năm nên lúc nào cũng có hàng xuất khẩu.

Cùng với đó là vị trí địa lý thuận tiện, việc vận chuyển sầu riêng từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc gần, chỉ mất 1,5 ngày. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo tươi ngon, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn so với Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.

Theo ông Nguyên, đến năm 2025, nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Do đó, tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc còn nhiều dư địa.

Đặc biệt, trong năm nay, Trung Quốc sẽ mở cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi các nhà vườn, doanh nghiệp mở rộng diện tích, tập trung nâng cao chất lượng và các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Vàng thế giới và trong nước đồng loạt rơi thẳng đứng

Vàng thế giới và trong nước đồng loạt rơi thẳng đứng

Giá vàng giảm mạnh vào thứ Tư, chịu áp lực từ sự tăng vọt của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2024. Trong nước, vàng miếng và vàng nhẫn cũng lao dốc theo giá thế giới…