Kinh tế chia sẻ "bối rối" tại Việt Nam

Sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ kéo theo sự phát triển của start-up Việt đang khiến các nhà quản lý trong nước bối rối.
Kinh tế chia sẻ "bối rối" tại Việt Nam

Cấm hay quản?

Tốc độ tăng trưởng của Uber, Grab; sự ra đời của hàng loạt start-up trong nước như Ahamove.com, jupviec.vn, dobody.vn…; hay tốc độ phủ sóng lên người tiêu dùng là những minh chứng không thể chối cãi cho những lợi ích mà mô hình kinh tế chia sẻ đem lại. Ở nước ngoài, thống kê cho thấy, lợi nhuận của nền kinh tế chia sẻ đã đạt đến con số hàng chục tỷ USD và có thể tăng lên hàng trăm tỷ USD chỉ trong một vài năm nữa.

Xu thế phát triển kinh tế chia sẻ cũng đã có tác động nhất định đến Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với sự phát triển của khoa học - cộng nghệ, sự kêu gọi của Chính phủ gây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sự bùng nổ về các start-up trong mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai rất gần.

Tuy vậy, đến nay, vẫn chưa có hành lang pháp lý để đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp dưới mô hình trên. Đến thời điểm này, các hoạt động của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong mô hình này như Uber, Grab tại Việt Nam cũng chỉ mới ở mức thí điểm, thậm chí bị cấm tại một số nơi.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã ra văn bản tạm dừng thí điểm mới với các doanh nghiệp vận tải công nghệ, nguyên nhân là sự bùng phát của taxi công nghệ gây áp lực lên hạ tầng, bất bình đẳng với các loại hình dịch vụ vận tải khác. Thậm chí, hai thành phố đang thí điểm là Hà Nội và TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ kết thúc đề án thí điểm.

Đây mới chỉ là đơn cử lĩnh vực vận tải. Hiện tại, các start-up trong nước và ngoài nước đã nở rộ ở nhiều lĩnh vực, nhưng ít bị mổ xẻ, vì chưa hiển hiện và có sự xung đột lợi ích với kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, xây dựng hành lang pháp lý để mô hình kinh tế này hoạt động là việc cấp thiết, không những đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, mà sẽ là động lực để các start-up phát triển.

Đã là xu thế thì sớm hay muộn cũng diễn ra, các cơ quan quản lý trong nước cần nhận diện đúng để sớm xây dựng hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp yên tâm làm ăn

Cần một cái nhìn thống nhất về chính sách

Tại cuộc hội thảo mới đây liên quan tới mô hình kinh tế chia sẻ, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nếu các nhà quản lý nhìn nhận vấn đề đã thật sự cấp bách, có tác động sâu rộng cho xã hội, cần quản lý chặt, thì phải gấp rút sửa luật, nghị định để điều chỉnh, không thể chấp nhận tư duy không quản được thì cấm tiệt, khó quản thì tạm cấm.

Tuy vậy, cách triển khai thế nào cũng không hề đơn giản. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cảnh báo, sửa luật, nghị định mới chỉ quản lý một lĩnh vực, còn hàng chục, hàng trăm lĩnh vực khác nữa thì sao. Bài toán này nếu làm không khéo, không đồng bộ, chính sách Việt Nam sẽ bị băm nát.

Dưới góc độ đứng đầu một doanh nghiệp trực tiếp tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, ông Phan Bá Mạnh, CEO của website dobody.vn cho rằng, đã là xu thế thì sớm hay muộn cũng diễn ra, các cơ quan quản lý trong nước cần nhận diện đúng để từ đó sớm xây dựng hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

“Trong nền kinh tế chia sẻ luôn cần có nền tàng trung gian và mọi giao dịch đều được ghi nhận tại đây. Dưới góc độ quản lý, phải khai thác triệt để giao dịch này, giao dịch tiền mặt khó có thể kiểm soát nhưng giao dịch công nghệ thông tin hoàn toàn kiểm soát được”, ông Mạnh khuyến nghị.

Bài học từ quốc gia láng giềng Trung Quốc, nơi có 600 triệu người tham gia nền kinh tế chia sẻ với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD trong năm 2016, cũng chỉ ra rằng, không nên ngược đãi với mô hình kinh tế chia sẻ. Cụ thể, Chính phủ nước này không những không cấm cản, mà đã tận dụng cơ hội để biến nền kinh tế chia sẻ thành đòn bẩy mới cho nền kinh tế trong nước, khi là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật liên quan đến kinh tế chia sẻ, thúc đẩy xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số, trong đó ủng hộ sự sáng tạo dựa trên Internet.

Không phủ nhận rằng, bên cạnh những ưu điểm, mô hình chia sẻ cũng bộc lộ một số hạn chế về hài hòa lợi ích các bên, thiếu các chế tài về bảo hiểm, vấn đề trốn thuế, đạo đức kinh doanh và quản lý chất lượng các dịch vụ chia sẻ. Tuy vậy, mô hình này chắc chắn vẫn sẽ có tác động mạnh tới tương lai của nền kinh tế và việc khắc phục hạn chế chỉ có thể thực hiện bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ.

Mới đây, Airbnb, một doanh nghiệp hàng đầu trong chia sẻ phòng ở đã thâm nhập thị trường Indonesia, nhưng chưa vào Việt Nam, dù trước đó đã có nhiều động thái. Lựa chọn này có thể có nhiều lý do, nhưng có lẽ một phần, họ cũng đang chờ phản ứng chính thức của Việt Nam với phép thử Uber, Grab.

Theo Baodautu.vn

baodautu.vn/kinh-te-chia-se-boi-roi-tai-viet-nam-d http://baodautu.vn/kinh-te-chia-se-boi-roi-tai-viet-nam-d69490.html

Có thể bạn quan tâm