Kinh tế Hà Nội nhiều điểm sáng

Bức tranh kinh tế Hà Nội 2 tháng đầu năm 2019 có nhiều điểm sáng. TP đã duy trì được đà tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt dự toán, môi trường đầu tư mở rộng, chỉ số hài lòng của người dân và DN tăng
Kinh tế Hà Nội nhiều điểm sáng

Sản xuất phụ kiện điện tại Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu, cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải

Giữ đà tăng trưởng

Số liệu của cơ quan thống kê về tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô trong 2 tháng đầu năm cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều khá, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,2%; Sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 7,5%; Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách đạt 1.621 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ và doanh thu dịch vụ tăng 10% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu tăng 21,3%, nhập khẩu tăng 8,6%. Khách du lịch đến Hà Nội tăng 10,7%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng 7,3% so với cùng kỳ 2018.

Hà Nội đã đi tiên phong trong xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và DN, tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thủ đô không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển bền vững. Tin tưởng với chủ đề năm 2019 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đuổi sát Singapore, Hong Kong ở một số tiêu chí trong môi trường kinh doanh.

TS Võ Trí Thành

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cũng tăng 25,1% so với cùng kỳ, đạt 42.232 tỷ đồng (bằng 17,2% dự toán). Hoạt động tín dụng vẫn giữ được đà tăng trưởng do có nhiều thuận lợi, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức ổn định. Kết thúc tháng 2/2019, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại Hà Nội ước đạt 3.147 nghìn tỷ đồng tăng 0,6% so với tháng trước và 1,5% so thời điểm kết thúc năm 2018. Tổng dư nợ cho vay đạt gần 1.900 nghìn tỷ đồng tăng tương ứng 0,6% và 1,5%. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm cũng tăng 3,91%, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho Nhân dân, không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến trong các dịp cao điểm.

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khâu còn yếu kém, trì trệ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN và thu hút mọi nguồn lực, tạo đà cho sự phát triển. Đối với DN, TP tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công…; hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án, duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn đầu cả nước...

Nâng cao vị thế, tận dụng thời cơ

Qua hơn 30 năm đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới, là điểm đến thân thiện, là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước bởi những tiềm năng và lợi thế riêng có. Vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, TP tiếp tục nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động đối ngoại kinh tế phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư. TP Hà Nội xác định cần đẩy mạnh 6 giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, TP hướng trọng tâm vào việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các Thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế liên đô thị, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ… thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội.

Thứ hai, kết hợp giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, tăng cường mở rộng quan hệ thương mại, du lịch với các nước, thu hút FDI, tranh thủ viện trợ của các nước và các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế, gia tăng xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (tăng số dự án đầu tư, tăng quy mô vốn và hiệu quả kinh tế - xã hội). Thứ ba, phối kết hợp đối ngoại văn hoá với đối ngoại kinh tế trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia; Tăng cường quảng bá hình ảnh TP Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập ra thế giới; Tạo dựng “thương hiệu” Hà Nội - Việt Nam, phục vụ cho phát triển kinh tế - thương mại quốc tế.

Thứ tư, tăng cường và mở rộng đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, hợp tác kinh tế với các nước và các địa phương; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, thành lập và mở rộng các Văn phòng đại diện tại một số nước và các thị trường trọng điểm; tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành T.Ư, các Đại sứ quán, Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, TP cả nước; Phát triển các hình thức thương mại hiện đại: thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các dịch vụ hậu mãi; Phát triển hệ thống thông tin thương mại rộng rãi, thuận lợi, kịp thời và hiệu quả. Thứ năm, phát triển dịch vụ đối ngoại trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô; xây dựng Hà Nội thành trung tâm giao dịch quốc tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng theo kịp với sự phát triển chung của khu vực và thế giới. Thứ sáu, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đối ngoại nhằm thực hiện có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại kinh tế phục vụ phát triển TP.

Theo Trâm Anh/ Kinh tế đô thị

kinhtedothi.vn/kinh-te-ha-noi-nhieu-diem-sang-3373 http://kinhtedothi.vn/kinh-te-ha-noi-nhieu-diem-sang-337366.html

Có thể bạn quan tâm