Lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận ngân hàng “trôi” về đâu?

Việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay có mặt tiêu cực là có thể sẽ khiến cho hệ số NIM co lại, lợi nhuận của các TCTD vì thế mà giảm đi.
Lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận ngân hàng “trôi” về đâu?

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định giảm 0,25% các lãi suất điều hành và 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất cho vay bắt đầu giảm

Ngay sau đó, khá nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất cho vay trên thị trường.

Cụ thể, ngân hàng BIDV quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp nhất ở mức 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND là 6,5%/năm.

Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên mức lãi suất cao nhất là 6,0%/năm, gồm: Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, ngân hàng Eximbank cũng giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ mức 7% xuống còn 6,5% còn LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên kể từ ngày 8/7. Ngoài ra, ngân hàng này cũng áp mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND 6,0%/năm, thấp hơn mức trần 6,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng VPBank thì cho biết, có thể giảm tới 1% lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có quan hệ tín dụng tốt với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ và mức giảm sẽ tùy từng lĩnh vực ngành nghề.

NIM có thể bị thu hẹp!

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng lãi suất.

“Các ngân hàng đều sử dụng các công cụ như tái chiết khấu, tái cấp vốn. Do đó, khi lãi suất của họ giảm thì cũng sẽ chuyển tải lợi ích đó cho khách hàng. Trong khi đó, bản thân một số nhà băng cũng giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên 0,5%, mặc dù mức giảm chưa sâu nhưng cũng đáng kể. Và điều này sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất chung”.

Dù vậy, chuyên gia cũng cho rằng, động thái lần này của NHNN và các ngân hàng thương mại sẽ có tác động như thế nào đến mặt bằng lãi suất chung thì vẫn cần thêm thời gian mới có thể xác định được, bởi dù nhiều nhà băng nói có chương trình cho vay lĩnh vực ưu tiên nhưng trên thực tế lãi suất vẫn còn cao, chỉ có một số doanh nghiệp đặc biệt, có quan hệ tốt với ngân hàng, có tình hình tài chính tốt cùng với món vay lớn thì mới được cho vay với lãi suất ưu đãi.

Một điểm khá đặc biệt trong lần này, là NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là một động thái khôn ngoan của Nhà điều hành trong bối cảnh hiện nay.

Số liệu công bố mới đây của Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 20/6/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%) trong khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 7,54%, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Điều này đang cho thấy sự “lệch pha” giữa huy động và cho vay.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu giảm lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền chuyển sang nhiều kênh khác thay vì gửi ngân hàng. Nếu việc huy động vốn gặp khó khăn thì không thể giảm lãi suất hay duy trì lãi suất ở mức thấp.

Vị này cũng cho rằng, việc NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên chứ không giảm lãi suất đại trà nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các lĩnh vực ưu tiên là phù hợp, tránh việc dòng vốn đổ vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao.

Còn theo TS.Hiếu, thì NHNN thừa hiểu việc các ngân hàng thương mại hiện vẫn còn gặp khó khăn trong huy động vốn trong khi họ vẫn phải tuân thủ tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động là 80% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn rút từ 60% xuống còn 50% hiện tại và xuống 40% trong vài tháng tới. Theo đó, nếu hạ lãi suất huy động thì có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản.

Dù vậy, việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay cũng có mặt tiêu cực là có thể sẽ khiến cho hệ số NIM co lại, lợi nhuận của các TCTD vì thế mà giảm đi.

Theo TS. Lực, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động hiện nay của Việt Nam vốn đã ở mức khá thấp, thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thậm chí, nếu giảm tiếp, hệ thống ngân hàng khó có thể chịu được.

Còn theo TS.Hiếu, lãi suất cho vay hạ thì NIM của ngân hàng nhìn chung sẽ giảm, nhưng mức độ giảm đến đâu thì còn phụ thuộc vào việc nhà băng thực hiện chỉ đạo ở mức nào. Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngân hàng vẫn có thể được duy trì nếu có thể giảm các loại chi phí như chi phí hoạt động, chi phí dự phòng…

Theo Trần Thúy/ Bizlive

>> Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất?

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...