Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2023, tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 14,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022.
Trong đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45%, đạt 5,74 triệu tỷ đồng. Điều này phản ánh bức tranh kinh tế còn khó khăn, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp không dồi dào.
Trái ngược lại, tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lên gần 6,35 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái. Đây cũng là mức tiền gửi dân cư cao nhất từ trước tới nay. Lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã duy trì đà tăng mạnh vượt số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế kể từ tháng 1/2023.
CASA tăng trở lại
Cơ cấu tiền gửi cũng có sự dịch chuyển. Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 mới được công bố tại một số ngân hàng thương mại cho thấy, chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng tăng nhẹ so với quý 1/2023, duy chỉ có ngân hàng PG BAnk giảm so với quý trước, tuy nhiên mức giảm không nhiều.
Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương (Techcombank - mã chứng khoán: TCB), chỉ số CASA tăng trở lại, đạt 27,5% cuối quý 2/2023, đánh dấu sự hồi phục sau bốn quý nghịch chiều. Tiền gửi của khách hàng đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số dư CASA đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, cho thấy sự phục hồi đáng khích lệ. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm.
Trong khi đó, ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (Bac A Bank - mã chứng khoán: BAB), tổng tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm cả tiền gửi ký quỹ) vào cuối quý 2/2023 đạt gần 9 nghìn tỷ đồng. Theo đó, chỉ số CASA của ngân hàng này trong quý 2 tăng từ 6,8% lên 7,4%. Tiền gửi của khách hàng đạt 105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm 2023. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn lần lượt đạt 5 nghìn tỷ và 100 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank - mã chứng khoán: ABB), chỉ số CASA của ngân hàng này tăng nhẹ từ 6,5% lên mức 6,9%. Kết thúc quý 2, tiền gửi của khách hàng tăng 3,6% so với đầu kỳ, đạt mức 87 nghìn tỷ. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng ghi nhận hơn 9 nghìn tỷ; tiền gửi có kỳ hạn đạt 78 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số CASA của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LP Bank - mã chứng khoán: LPB) cũng tăng từ 4% lên đến 5,2% trong quý 2. Với số dư CASA đạt 16 nghìn tỷ, tiền gửi có kỳ hạn đạt 207 nghìn tỷ đồng; kéo theo tiền gửi khách hàng trong quý 2 lên đến 225 nghìn tỷ đồng.
Về phía Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB) chỉ số CASA trong quý 2/2023 đạt mức 17%. Tiền gửi khách hàng đạt 200 nghìn tỷ đồng với gần 33,6 nghìn tỷ là tiền gửi không kỳ hạn và hơn 166,4 nghìn tỷ là tiền gửi có kỳ hạn.
Đáng chú ý, chỉ số CASA của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank - mã chứng khoán: PGB) giảm nhẹ trong quý 2, từ mức 21,7% xuống 21,2%. Về tiền gửi khách hàng, số dư CASA chiếm 4,7 nghìn tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn là 26,3 nghìn tỷ đồng. Theo đó, tổng tiền gửi khách hàng trong quý đạt mức 31 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất giảm không ảnh hưởng tới hoạt động gửi tiền
Theo các chuyên gia kinh tế, đa phần người dân và doanh nghiệp chọn kênh gửi tiết kiệm với kỳ hạn chủ yếu từ 6 tháng trở lên cho khoản tiền nhàn rỗi, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không thật sự khởi sắc.
Cụ thể, thị trường vàng ảm đạm; lãi suất USD đang áp dụng 0%/năm trong khi tỷ giá ổn định; thị trường bất động sản trầm lắng. Chỉ riêng thị trường chứng khoán tăng mạnh gần đây nhưng đòi hỏi nhà đầu tư có sự tìm hiểu kỹ, có kiến thức nhất định, nên không phải ai cũng sẵn sàng chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang chứng khoán… Do đó, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng lúc này cho thấy kênh tiết kiệm không chỉ sinh lợi mà còn là nơi trú ẩn an toàn nữa.
Theo TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, người dân chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất có giảm để đảm bảo an toàn.
TS.Nguyễn Quốc Hùng nêu vấn đề: “Sản xuất kinh doanh rất khó khăn nên tiền của người dân quay về kênh ngân hàng. Trong gần 3 năm dịch bệnh, sản xuất gần như ngưng trệ nhưng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ồ ạt, thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, giá bất động sản tăng mạnh. Những vụ việc vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến người dân thiếu niềm tin với thị trường vốn”.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh sẽ giúp ngân hàng có dư địa hạ lãi suất cho vay. Khách hàng uy tín, doanh nghiệp có đơn hàng sẽ có điều kiện tiếp cận vốn vay lãi suất thấp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm, mức lãi suất huy động phổ biến cho các kỳ hạn dài từ 7-7,5%/năm đối với những ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó, tại các ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ hạn dài chỉ còn 6-6,3%/năm.
Mới đây, một loạt ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã cùng điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống thấp nhất chỉ còn 3,3%/năm cho các kỳ hạn 1-2 tháng. Đây là mức lãi suất thấp hơn nhiều so với trần quy định là 4,75%/năm áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Tuy nhiên, như đã nói, cơ cấu tiền gửi đã có sự dịch chuyển khi tỷ lệ CASA đang tăng trở lại. Điều này cho thấy, tâm lý đầu tư dần được lan toả. Chỉ cần cơ hội đầu tư xuất hiện, dòng tiền nhàn rỗi này có thể ngay lập tức rời đi. Theo đó, các ngân hàng cũng cần quan tâm hơn tới rủi ro thanh khoản, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan hữu quan cố gắng khơi thông dòng tín dụng.