Doanh thu môi giới nhiều công ty chứng khoán giảm, cho vay ký quỹ lại tăng hàng nghìn tỷ đồng

Tính đến nay, hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Nhìn vào báo cáo cho thấy, tại nhiều công ty chứng khoán, doanh thu hoạt động môi giới đã giảm sút so với cùng kỳ. Nhưng ngược lại dư nợ cho vay ký quỹ (margin) lại tăng mạnh lên đến hàng nghìn tỷ đồng...
Doanh thu môi giới nhiều công ty chứng khoán giảm, cho vay ký quỹ lại tăng hàng nghìn tỷ đồng

Quý 2/2023 khép lại với việc VN-Index - chỉ số đại diện thị trường chứng khoán tăng hơn 5% so với cuối quý 1/2023. Thị trường đã sôi động trở lại, khối lượng giao dịch bình quân sàn HOSE đạt khoảng 11.700 tỷ đồng mỗi phiên, qua đó đứt chuỗi giảm thanh khoản 5 quý liên tiếp (kể từ quý 1/2022 đến quý 1/2023).

Doanh thu môi giới giảm, dư nợ cho vay tăng

Trong bối cảnh đó, doanh thu môi giới tại các công ty chứng khoán trong quý 2/2023 vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm kể từ giai đoạn cao trào của quý 4/2021.

Điển hình như trường hợp của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPBS). Mặc dù công ty này đang dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCOM. Thậm chí, VPBS còn bỏ xa khoảng cách với top sau về thị phần môi giới trên HOSE. Thế nhưng, doanh thu môi giới - nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong quý 2/2023 của VPBS đã giảm 14% so với cùng kỳ, xuống còn 613 tỷ đồng; kéo theo doanh thu hoạt động quý 2 giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm trước về mức 1.557 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPBS có doanh thu hoạt động 2.919 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu này giảm lần lượt 38% và 57%.

Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) ghi nhận doanh thu quý 2 đạt gần 1.575 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới giảm 25% xuống gần 336 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) cũng cho biết trong quý 2 vừa qua, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, còn 203 tỷ đồng. Theo đó, VNDirect báo kết quả quý 2 với doanh thu 1.587 tỷ đồng và lãi sau thuế 421 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 20%. Giai đoạn bán niên, doanh thu ghi nhận 2.878 tỷ và lãi sau thuế 561 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 56% so với cùng kỳ năm trước.

Một trường hợp khác, Chứng khoán Kỹ Thương – TCBS ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 109,7 tỷ đồng, giảm so với con số cùng kỳ năm ngoái là 219 tỷ đồng. Không chỉ riêng mảng môi giới, doanh thu các mảng khác cũng đều ghi nhận giảm dẫn đến quý 2/2023, TCBS báo lãi sau thuế còn 442 tỷ đồng, giảm 33,7%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCBS báo lãi đạt 775 tỷ đồng giảm 52% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Trong khi hoạt động môi giới suy giảm thị ngược lại dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tăng lên mạnh mẽ. Xét về cơ cấu, hoạt động cho vay margin là mảng doanh thu quan trọng mà mỗi công ty chứng khoán hướng tới, bởi môi giới đem về lãi rất eo hẹp. Thông thường, các công ty chứng khoán sẵn sàng chấp nhận giảm phí, giảm lãi nghiệp vụ môi giới để thu hút nhà đầu tư, qua đó tăng lượng cho vay ký quỹ và lợi nhuận sẽ được bù đắp từ mảng này.

công ty chứng khoán

Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý 2/2023 của 40 công ty chứng khoán đang niêm yết và chưa niêm yết đại diện 96% tổng vốn chủ sở hữu của ngành chứng khoán cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường ở mức 143.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2023, tăng 24.400 tỷ đồng (+20,5%) so với cuối quý 1/2023 và +0,9% so với cùng kỳ năm 2022. So với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh, dư nợ cuối tháng 6/2023 thấp hơn khoảng 41.000 tỷ đồng.

Sau quý 2 vừa qua, thị trường đã ghi nhận thêm 2 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ là VPS và TCBS bên cạnh Mirae Asset và SSI. Dù vậy, số lượng này vẫn ít hơn so với thời điểm đỉnh cao khi dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán lập kỷ lục 200.000 tỷ vào cuối quý 1 năm ngoái. Thời điểm đó, thị trường có đến 6 công ty chứng khoán có dư nợ trên hàng chục tỷ đồng.

Đa phần các công ty chứng khoán đều ghi nhận dư nợ cho vay vào cuối quý 2 tăng so với thời điểm 31/3/2023. 10 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường đều đã mở rộng quy mô hoạt động này trong quý vừa qua. So với thời điểm cuối quý 1, toàn thị trường có 9 công ty chứng khoán ghi nhận dư nợ cho vay tăng trên nghìn tỷ trong đó 2/3 số này nằm trong top 10.

VPBS là công ty chứng khoán có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất, tại thời điểm 30/6, dư nợ cho vay của VPBS gần 10.800 tỷ đồng, mức cho vay cao nhất kể từ khi hoạt động. Trong đó dư nợ margin hơn 10.200 tỷ đồng, tăng gần 3.200 tỷ so với cuối quý 1 và 4.300 tỷ so với đầu năm.

Mirae Asset và SSI cũng có dư nợ cho vay tăng mạnh lần lượt 2.900 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng so với cuối quý 1/2023. Trong top đầu còn có HSC, KIS và MBS cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong quý 2.

Theo đánh giá của các chuyên gia việc nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc sử dụng đòn bẩy đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt là tháng 6, giá trị giao dịch nhiều phiên đã trở lại ngưỡng 1 tỷ USD. Riêng trên HOSE, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 6 đạt trên 15.000 tỷ, tăng hơn 40% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022. Thanh khoản dồi dào vẫn tiếp tục dược duy trì sang tháng 7.

công ty chứng khoán

Cú hích từ lãi suất

Việc dư nợ cho vay tăng mạnh tại các công ty chứng khoán thực tế đã được các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, chuyên gia dự báo khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, thanh khoản của thị trường cũng được kích hoạt bởi chính sách giảm lãi suất.

Trước đó, ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành, đánh dấu lần giảm lãi suất điều hành thứ tư liên tiếp chỉ trong 3 tháng qua của cơ quan điều hành. Theo đó, đa số lãi suất điều hành đều đã giảm về tương đương giai đoạn 2020 – trong thời điểm Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước đại dịch Covid– 19.

Sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện ở mức tốt. Lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường trong thời gian tới cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán. Theo nhiều đơn vị phân tích, một phần tiền gửi ngân hàng đã chuyển dịch sang kênh cổ phiếu dù con số có thể không quá lớn.

Trong khi đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm đã góp phần giảm chi phí vốn, giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất margin. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các gói ưu đãi lãi suất nhằm kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Lãi suất giảm là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc sử dụng margin.

Theo SGI Capital, nhờ VND ổn định và lạm phát hạ trong nửa năm qua, SBV đã có dư địa để hạ mạnh lãi suất và tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh về mặt bằng cuối quý 2/2022. Quỹ đầu tư này cho rằng, nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm, SBV sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất.

Trong khi đó, Dragon Capital đánh giá Việt Nam vẫn có thể duy trì mở rộng chính sách tiền tệ như một “liều thuốc bổ” ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sẽ khó có thể cải thiện tăng trưởng trong nửa sau 2023 nếu thiếu sự đồng hành của chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công.

Tương tự, Pyn Elite Fund cũng cho rằng hành động của Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Các quyết định của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Các biện pháp đang có tác động tích cực đến xu hướng và sức mạnh của thị trường chứng khoán và có thể tiếp tục trong những tháng tới.

Xem thêm

Công ty chứng khoán lãi đậm trong quý 2/2023 nhờ hoạt động tự doanh

Công ty chứng khoán lãi đậm trong quý 2/2023 nhờ hoạt động tự doanh

Thị trường hồi phục mạnh trong quý 2/2023 với thanh khoản có những phiên vượt mốc 1 tỷ USD, Vn-Index trở thành "mỏ vàng" cho tự doanh các công ty chứng khoán khai thác. Đã có nhiều công ty chứng khoán báo lãi đậm trong quý 2 nhờ hoạt động tự doanh như Chứng khoán BIDV, SSI...

Có thể bạn quan tâm