Ngân hàng Nhà nước: Khi vay vốn, tài sản thế chấp không phải điều kiện bắt buộc

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp được vay vốn dựa trên việc ngân hàng đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà không cần tài sản thế chấp...
Ngân hàng Nhà nước: Khi vay vốn, tài sản thế chấp không phải điều kiện bắt buộc

Ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023.

Tại Thông tư 06 này, các điều kiện cho vay đối với khách hàng không bị siết chặt lại. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng hiện hành, khách hàng vay vốn phải đáp ứng 3 điều kiện gồm: (i) Mục đích vay vốn hợp pháp, (ii) Có phương án sử dụng vốn khả thi, (iii) Có khả năng tài chính để trả nợ. Đây cũng là các điều kiện vay vốn tối thiểu mà khách hàng phải đáp ứng. Theo đó, Thông tư 39/2016/TT-NHNN hiện hành cũng áp dụng các điều kiện này. 

Mặt khác, đối với biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng, việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.

Thực tế, thời gian qua, tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền vay với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.

"Tài sản thế chấp chỉ là một trong các điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện hàng đầu, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật trong việc bảo đảm hoàn trả cho khoản vay, nâng cao trách nhiệm của khách hàng đối với việc trả nợ ngân hàng", Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn đưa ra một loạt các quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.

Quy định cho vay bằng phương tiện điện tử

Đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức tín dụng trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Điều này phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và định hướng, chủ trương, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021.

Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Quy định ro về phương thức cho vay bằng phương thức điện tử
Quy định ro về phương thức cho vay bằng phương thức điện tử

Bên cạnh đó, để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động eKYC phục vụ việc cho vay bằng phương tiện điện tử, Ngân hàng Nhà nước quy định cho phép tổ chức tín dụng triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Như vậy, các nguồn dữ liệu để đối chiếu được quy định tại Thông tư 06 rất đa dạng, mang tính chính thống và đáng tin cậy, là nền tảng quan trọng đảm bảo hoạt động eKYC an toàn, lành mạnh, kịp thời phòng ngừa rủi ro gian lận.

Không cần xây dựng phương án khi vay tiêu dùng thiết yếu

Đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án.

Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống. 

Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Được vay để trả nợ

Thông tư 06 bổ sung quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Cụ thể, tại Thông 39/2016/TT-NHNN hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng khác (nếu có).

Đơn cử như trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại một ngân hàng A. Tuy nhiên, khách hàng nhận thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy lãi suất cho vay thấp hơn so với ngân hàng B; đồng thời nếu khách hàng vay vốn sẽ được hưởng thêm ưu đãi đối với một số các dịch vụ khách tại ngân hàng B.

Theo đó, với quy định này, khách hàng hoàn toàn có thể đến ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà mà khách hàng đang vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Đồng thời, Thông tư 06 bổ sung việc tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm. Khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, do đó Thông tư 06 bổ sung quy định nêu trên để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...