Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua (17/7-21/7) tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực khi có đến 18 mã tăng, 6 mã giảm và 3 mã đứng giá. Trong đó, mã cổ phiếu VPB có mức tăng mạnh nhất toàn ngành, lên đến +7,5%, đóng cửa tuần tại mức 21.400 đồng/cổ phiếu.
Nhờ có vốn hóa lớn, với đà tăng trên, VPB cũng là mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index tuần qua, dẫn dắt toàn nhóm cổ phiếu "vua" cũng như thị trường nói chung. Hiện tại, VPB đã quay trở lại vùng giá của cuối tháng 3 vừa qua.
Theo sau VPB là mức tăng ấn tượng +5,1% đến từ cổ phiếu SHB, kết tuần tại mức 14.400 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, trên mức 3% như: HDB (+4,7%); MSB (+4,3%); KLB (+4%); LPB (+3,8%); BAB (+3,6%); NAB (+3,5%); VBB (+3,5%); TPB (+3,3%); SGB (+3%).
Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tích cực khác trong tuần là VIB (+1,5%); TCB (+1,1%); SSB (+1%); PGB (+0,7%); OCB (+0,5%); ACB (+0,5%); VAB (+0,4%).
Ở chiều ngược lại, có tới 6 mã cổ phiếu ngân hàng kết tuần trong sắc đỏ, tuy nhiên mức điều chỉnh không đáng kể. Giảm nhiều nhất là mã EIB chỉ với -1%. Các mã còn lại là CTG (-0,7%); NVB (-0,7%); BVB (-0,7%); ABB (-0,8%); STB (-0,9%).
Trong tuần giao dịch 17/7- 21/7, thị trường ghi nhận có 3 mã cổ phiếu ngân hàng đứng giá. Trong đó, có 2 mã cổ phiếu thuộc về nhóm ngân hàng quốc doanh là VCB của Vietcombank và BID của ngân hàng BIDV. Mã cổ phiếu ngân hàng còn lại là MBB của ngân hàng MB.
Đáng chú ý,cổ phiếu VCB tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày 19/7/2023 khi tăng 2,1% lên mức 106.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 33% so với đầu năm. Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu quay đầu giảm khiến VN-Index đứt chuỗi 8 phiên tăng điểm liên tiếp.
Theo đó, vốn hóa thị trường của ngân hàng này tương ứng đạt hơn 504.000 tỷ đồng, tương đương 1/10 tổng giá trị vốn hóa toàn sàn chứng khoán. Con số nửa triệu tỷ đồng là mức vốn hóa cao kỷ lục mà một doanh nghiệp từng đạt được trong suốt 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và Vietcombank là cái tên đầu tiên chạm đến ngưỡng lịch sử này.
Thanh khoản toàn ngành vẫn duy trì được ở mức cao, với hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch, đi ngang so với tuần trước. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần này đạt gần 21.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 15% so với tuần trước đó. STB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về thanh khoản với mức hơn 3.800 tỷ đồng, dù đã giảm 700 tỷ đồng so với tuần trước.
Đi cùng với đà tăng tích cực về giá, thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng VPBank "bùng nổ" khi mức trên cao hơn xấp xỉ 80% so với tuần trước, đạt 3.606 tỷ đồng. Cổ phiếu này được giao dịch nhộn nhịp theo cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, đặc biết với sự quan tâm của khối tự doanh các công ty chứng khoán.
Cụ thể, trong tuần qua, nhóm tự doanh đã mua 312 tỷ đồng cổ phiếu VPB, giá trị mua ròng là 177 tỷ đồng. Bên cạnh VPB, nhóm này còn dành sự quan tâm cho 2 cổ phiếu ngân hàng khác là STB và CTG khi mua ròng lần lượt là 108 và 92 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, các nhà đầu tư nước ngoại giảm tỷ trọng nhóm cổ phiếu ngân hàng khi 3 mã có khối lượng bán ròng nhiều nhất đều trong nhóm cổ phiếu "vua". Tính chung trong 5 phiên, khối ngoại đã bàn ròng 269 tỷ đồng cổ phiếu MSB, 160 tỷ đồng cổ phiếu VPB và 130 tỷ đồng CTG.
Trong tuần vừa qua đã có 7 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 gồm: Sacombank, MSB, TPBank, LPBank, ABBank, BacABank, PGBank. Trước đó đã có nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2023 sẽ chậm lại rõ rệt, với áp lực nợ xấu tăng cao do khách hàng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên kết quả kinh doanh cũng có sự phân hóa.
BacABank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của ngân hàng đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý 1 có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của ABBank chỉ đạt 67 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ.
TPBank cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Ngân hàng báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.383 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Tại ngân hàng Sacombank, tính đến ngày 30/06/2023, lợi nhuận trước thuế đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.
Ngân hàng MSB cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 6 tháng của ngân hàng đạt 3.548 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế quý 2 của PGBank đạt 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24%.
LPBank cũng đã công bố báo cáo tài chính, ghi nhận lợi nhuận quý 2/2023 chỉ ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỷ, giảm 32%.
Một sự kiện đáng chú ý khác, HDBank cho biết đã bán thành công 8 triệu cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, giảm số cổ phiếu nắm giữ trực tiếp về 18,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,47%. Khoản lợi nhuận ước thu về từ thoái vốn khoảng 400 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chính thức công bố thay đổi thành phần các rổ chỉ số kỳ tháng 7/2023 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 7/8/2023. Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội và SSB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á đã thay thế cổ phiếu NVL của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) và cổ phiếu PDR của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) “lọt” rổ chỉ số VN30 trong kỳ cơ cấu này.