Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng ngân hàng nào cao nhất tháng 12/2024?

Bước sang tháng 12/2024, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại trong nước phần lớn điều chỉnh theo xu hướng tăng, hiện dao động trong khoảng 1,9 – 4,7%/năm...

Theo khảo sát đầu tháng 12, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại trong nước hiện đang được triển khai trong khoảng 1,9 – 4,7%/năm với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ. So với tháng trước, hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Chi tiết như sau, mức lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn 3 tháng được ghi nhận là 4,7%/năm, được ngân hàng Nam A Bank áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến. Với biểu lãi suất thông thường, Nam A Bank chỉ triển khai mức lãi suất là 3,9%/năm.

Theo sau là mức lãi suất huy động 4,4%/năm, được ngân hàng OceanBank áp dụng đối với hình thức gửi tiền online. Nếu khách hàng lựa chọn hình thức gửi tiền truyền thống, mức lãi suất được áp dụng chỉ còn 4,3%/năm.

Mức 4,35%/năm đang được ấn định tại ngân hàng BAOVIET Bank cho sản phẩm tiết kiệm Online-EZ Saving, còn với sản phẩm tiết kiệm truyền thống, lãi suất huy động chỉ còn 4%/năm.

Tương tự, mức 4,3%/năm là lãi suất huy động áp dụng tại kỳ hạn 3 tháng, được ghi nhận tại ngân hàng Eximbank đối hình thức gửi tiền online. Đối với hình thức gửi tiền tại quầy, ngân hàng này sẽ huy động lãi suất thấp hơn ở mức 3,4%/năm. Trong tháng này, ngân hàng Dong A Bank cũng triển khai mức lãi suất tiết kiệm 4,3%/năm sau khi tăng 0,2 điểm phần trăm.

Cũng tại kỳ hạn này, mức lãi suất 4,1%/năm đang cùng được triển khai tại các ngân hàng VietBank, OCB, MSB đối với hình thức tiết kiệm online. Còn với hình thức tiết kiệm thông thường, mức lãi suất được ấn định lần lượt là 3,9%/năm (đối với VietBank và OCB) và 3,6%/năm (đối với MSB).

Tại thời điểm khảo sát, có rất nhiều ngân hàng triển khai mức lãi suất từ 4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, điển hình như: IVB (4,35%/năm); GPBank (4,22%/năm); NCB và ABBank cùng ấn định mức 4,2%/năm; CBBank (4,15%/năm); VietABank, TPBank, MB, BVBank cùng niêm yết 4%/năm.

Song song với đó, ngân hàng HDBank huy động mức lãi suất 3,95% đối với hình thức gửi tiền online cho kỳ hạn này. Còn hình thức gửi tiền truyền thống có lãi suất là 3,45%/năm. Khảo sát cũng cho thấy, 3,8%/năm là mức lãi suất phổ biến được nhiều ngân hàng triển khai trong tháng này như: VIB, SHB, PGBank.

Ngoài ra, khách hàng có thể tham khảo các mức lãi suất huy động trong phạm vi 3,5%/năm – 3,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng như: 3,9%/năm tại LPBank và KienlongBank; 3,6%/năm tại Saigonbank, Sacombank và PVCoMBank; 3,5%/năm tại ACB.

Tại ngân hàng VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng vẫn được chia ra thành 5 hạn mức tiền gửi. Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất được niêm yết ở mức 3,9%/năm từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 4%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên là 4,1%/năm.

Khảo sát riêng nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động tại kỳ hạn 3 tháng của ngân hàng VietinBank và BIDV được duy trì ổn định trong tháng này, đạt 2,3%/năm. Trong khi đó, ngân hàng Agribank tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất, lên mức 2,9%/năm.

Lãi suất tại ngân hàng Vietcombank thấp hơn so với 3 ngân hàng trên, ở mức 1,9%/năm và không có sự thay đổi so với tháng trước. Theo ghi nhận, đây cũng là mức lãi suất tiền gửi thấp nhất tại kỳ hạn 3 tháng trong các ngân hàng thương mại được khảo sát.

Nhìn nhận về diễn biến lãi suất cuối năm, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

Dự báo lãi suất đầu năm 2025, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết, xu hướng nền lãi suất huy động có khả năng tăng nhẹ hoặc đi ngang. Sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn, với nhóm ngân hàng nhỏ có xu hướng đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn để thu hút vốn.

Xu hướng lãi suất huy động năm 2025 sẽ tiếp tục xoay quanh chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, mức độ hồi phục kinh tế và diễn biến lạm phát.

“Đây sẽ là một năm ổn định nhưng đầy thách thức đối với các ngân hàng trong việc cân đối giữa huy động vốn và duy trì lợi nhuận”, báo cáo của VPBankS dự báo.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm