Ghi nhận mới nhất cho thấy, phạm vi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại 28 ngân hàng thương mại trong nước dao động quanh mức 2 – 3,85%/năm với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ. Trong đó, phần lớn các ngân hàng đều huy động lãi suất về mức dưới 3,8%/năm.
LÃI SUẤT HUY ĐỘNG ĐÃ TỚI ĐÁY?
Qua so sánh, 3,85%/năm đang là mức lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn 3 tháng, được ghi nhận tại ngân hàng BaoViet Bank đối với hình thức gửi tiền online. Trường hợp khách hàng gửi tiền tại quầy, mức lãi suất chỉ còn 3,55%/năm.
Thấp hơn một chút, ngân hàng CBBank đang triển khai mức lãi suất 3,8%/năm cho các kỳ hạn này. Tuy nhiên, mức lãi suất trên chỉ áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến. Nếu khách hàng gửi tiền tại quầy, CBBank ấn định mức lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm, về mức 3,7%/năm.
Theo sau là mức lãi suất tiết kiệm 3,6%/năm được ngân hàng NCB áp dụng cho các khoản tiền Tiết kiệm An Phú. Khách hàng khi gửi tiền hình thức truyền thống, lãi suất ngân hàng này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm còn 3,5%/năm.
Tiếp đó, kỳ hạn 3 tháng được ngân hàng DongA Bank huy động mức lãi suất 3,5%/năm. Thấp hơn 0,1 điểm phần trăm là mức lãi suất tiết kiệm 3,4%/năm được áp dụng tại ngân hàng Viet A Bank và Nam A Bank. Trong khi đó, ngân hàng GPBank huy động lãi suất ở mức 3,37%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn tiếp tục duy trì đà giảm lãi suất trong tháng này. Do đó, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng phần lớn dao động trong khoảng 3%/năm - 3,3%/năm.
Cụ thể, ngân hàng Ocean Bank đang ấn định lãi suất kỳ hạn 3 tháng về mức 3,3%/năm. Cùng kỳ hạn gửi tiền, 4 ngân hàng ABBank, Bac A Bank, KienlongBank và OCB lại triển khai mức lãi suất 3,2%/năm.
Song song với đó, 3 ngân hàng gồm VPBank, MSB và SHB cùng triển khai lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng ở mức 3%/năm.
Đặc biệt trong tháng này, hàng loạt ngân hàng còn điều chỉnh mức lãi suất huy động về mức dưới 3%/năm như: HDBank (2,95%/năm), Sacombank (2,9%/năm), PVcomBank (2,85%/năm), Saigonbank (2,7%/năm), MBBank (2,6%/năm), SCB (2,05%/năm)…
Tương tự như tháng trước, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng VPBank vẫn được chia ra thành 5 hạn mức tiền gửi. Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất được niêm yết ở mức 2,8%/năm; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng vẫn là 2,8%/năm; từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 2,9%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên là 3%/năm.
Cùng thời điểm khảo sát, lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank tại thời hạn 3 tháng đối với khách hàng cá nhân và hội viên Inspire là 2,7%/năm, khách hàng Priority và khách hàng Private nhận được mức lãi suất cao hơn, lần lượt là 2,8%/năm và 2,85%/năm. So với tháng trước, mức lãi suất này được điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm.
So sánh riêng lãi suất huy động tại kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh gồm Vietinbank và BIDV cho thấy, các ngân hàng này duy trì ổn định lãi suất ở mức 2,2%/năm trong tháng này.
Trong khi đó, lãi suất tại ngân hàng Agribank và Vietcombank thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với 2 ngân hàng trên, ở mức 2%/năm. So với cùng kỳ, mức lãi suất này không có sự thay đổi. Theo ghi nhận, đây cũng là mức lãi suất tiền gửi thấp nhất tại kỳ hạn 3 tháng trong các ngân hàng thương mại được khảo sát.
GIỮ NGUYÊN LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng được khảo sát vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên có một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1 – 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước đó.
Lý giải về động thái tăng lãi suất tiền gửi, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại là 3,38%/năm và 6,84%/năm, giảm lần lượt khoảng 0,15 điểm phần trăm và 0,25 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Về phía người gửi tiền, dù lãi suất đầu vào đi xuống nhưng nhiều người cho biết vẫn chọn gửi tiết kiệm trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa sôi động hoặc nhiều rủi ro.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định đến thời điểm này, các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.