Lâm Đồng phê duyệt kế hoạch phát triển gần 1,1 triệu m2 sàn nhà ở, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng

Ngày 20/2, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà năm 2023 với mục tiêu tăng diện tích nhà toàn tỉnh thêm gần 1,1 triệu m2 sàn. Tổng vốn để phát triển nhà ở năm 2023 khoảng hơn 12.064 tỷ đồng...
Lâm Đồng: Phê duyệt kế hoạch phát triển gần 1,1 triệu m2 sàn nhà ở, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng
Lâm Đồng phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 26m2 sàn/người

Theo quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp ký, trong số gần 1,1 triệu m2 sàn nhà ở sẽ phát triển trong năm 2023, nhà ở thương mại là 260.296m2, nhà ở xã hội 48.187m2, nhà ở tái định cư 7.834m2 và nhà ở của hộ gia đình cá nhân là 783.269m2. Phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 26m2 sàn/người.

Diện tích đất dự kiến để phát triển quỹ nhà vào khoảng 455ha, trong đó chiếm phần lớn là diện tích đất để xây nhà ở riêng lẻ của người dân với hơn 326ha, kế đến là quỹ đất dành cho nhà thương mại với hơn 108ha.

Tổng số vốn phát triển nhà ở năm 2023 khoảng hơn 12.064 tỷ đồng, trong đó vốn phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị khoảng 3.255 tỷ đồng; Nhà ở xã hội khoảng hơn 1.411 tỷ đồng; Nhà ở tái định cư khoảng hơn 552 tỷ đồng và nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 6.845 tỷ đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để phát triển các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tỉnh sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, giao đất, cho thuê đất lại các dự án như: Dự án Khu đô thị mới số 6 tại P.11; Khu dân cư số 5 tại P.4, thành phố Đà Lạt; Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, huyện Đức Trọng.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng tại các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư như Dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim (Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) sau khi có nhà đầu tư.

Đối với nhà ở xã hội, thu nhập thấp, nhà ở công nhân, Lâm Đồng sẽ khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư xây dựng để trong năm 2023 tổ chức khởi công ít nhất 02 dự án. Cụ thể, quý 3/2023 sẽ khởi công dự án nhà ở cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng và quý 4/2023 sẽ khởi công ít nhất 1 dự án trong số các dự án như: Dự án nhà ở xã hội 5B – CC5, Dự án nhà ở xã hội Sào Nam, Dự án nhà ở xã hội Kim Đồng… Các dự án nhà ở xã hội này đều thuộc TP.Đà Lạt.

Lâm Đồng cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, phấn đấu thực hiện các khâu để đến quý 4/2023 sẽ lựa chọn được chủ đầu tư thực hiện dự án.

Đối với việc phát triển quỹ nhà tái định cư, tỉnh sẽ tập trung triển khai các dự án tái định cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt để đảm bảo quỹ nhà ở, quỹ đất phục vụ di dời các hộ dân đang sống trong quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và các hộ bị giải tỏa tại các công trình trọng điểm trên địa bàn, dự án chỉnh trang đô thị. Cụ thể gồm: Dự án Xây dựng chung cư phục vụ tái định cư Lô số 1 – Khu quy hoạch An Sơn; Dự án đầu tư xây dựng chung cư tái định cư Nguyên Tử Lực; Dự án Khu dân cư Đồi An Tôn và các dự án trên địa bàn có cao tốc đi qua.

Để đạt được mục tiêu phát triển gần 1,1 triệu m2 sàn nhà ở trong năm 2023, ngoài các giải pháp về quy hoạch, đất đai, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đến nguồn vốn, trong đó sẽ công khai minh bạch thông tin về danh mục dự án, quy mô dự án, lựa chọn nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước bằng hình thức xã hội hóa.

Đồng thời, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp (nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay tín dụng, vốn hợp đồng, hợp tác kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp,...) để đầu tư xây dựng mới và cải tạo sửa chữa nhà ở riêng lẻ; đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...

Lâm Đồng cũng sẽ thiết lập danh mục ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng cùng dự kiến quỹ đất gắn liền trên địa bàn các huyện, thành phố nhằm công khai kêu gọi đầu tư; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá, dễ thực hiện và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng dự án...

Có thể bạn quan tâm