Lâm Đồng sắp đấu giá Nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương Đà Lạt

Nhà hàng Thủy Tạ là một trong nhiều nhà đất công tại Lâm Đồng bị bỏ hoang hóa hoặc hết thời hạn cho thuê nhưng chưa kịp thời xây dựng phương án quản lý, sử dụng, đấu giá, gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài sản công…
Nhà hàng Thủy Tạ
Nhà hàng Thủy Tạ là địa điểm ăn uống, giải trí nổi tiếng tại TP.Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định về việc đấu giá cho thuê tài trên đất và thuê đất trả tiền hàng năm đối với Nhà hàng Thủy Tạ (P.1, thành phố Đà Lạt). Hiện Nhà hàng Thủy Tạ thuộc quyền quản lý của UBND thành phố Đà Lạt.

Nhà hàng Thủy Tạ nằm trên hồ Xuân Hương, là địa điểm du lịch, thăm quan, ăn uống, giải trí nổi tiếng, thu hút rất đông khách du lịch mỗi khi đặt chân đến Đà Lạt. Nhà hàng được xây dựng trên diện tích đất 3.876m2, hiện có một nhà cấp 2 với diện tích sử dụng gần 270m2 với giá trị được đánh giá là hơn 1,36 tỷ đồng.

Theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, Nhà hàng Thủy Tạ được đấu giá với mục đích sử dụng là đất thương mại – dịch vụ (nhà hàng, ăn uống), thời hạn sử dụng đất là 10 năm kể từ ngày ban hành Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá phải giữ nguyên hiện trạng, không được xen cấy thêm công trình.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng quy định Nhà hàng Thủy Tạ được đấu giá theo hình thức trả tiền hàng năm nhưng sẽ thanh toán một lần cho chu kỳ thuê 10 năm ngay sau khi ban hành Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

Nhà hàng Thủy Tạ
Vị trí đắc địa của Nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương Đà Lạt

Dự kiến việc đấu giá sẽ được thực hiện trong quý 2/2023. Sở Tài chính được giao phối hợp với các cơ quan liên quan xác định, trình UBND tỉnh quyết định giá khởi. UBND thành phố Đà Lạt xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá…

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần đánh giá tình hình quản lý đất đai, tài sản công trên địa bàn thiếu chặt chẽ; tình trạng giao đất, cho thuê đất, tài sản công không đúng đối tượng; nhiều dự án đầu tư Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, chờ cơ hội sang nhượng…

Nhiều cơ sở nhà đất để hoang hóa hoặc đã hết thời hạn cho thuê, trong đó có Nhà hàng Thủy Tạ, Khách sạn Golf 3 nhưng chưa kịp thời xây dựng phương án quản lý, sử dụng, đấu giá gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài sản công…

Mới đây, một trong những thông tin gây xôn xao dư luận là việc Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Da Lat Tourist) bất ngờ gửi văn bản đến UBND tỉnh Lâm Đồng và một số sở ngành kiến nghị về việc xin giảm tiền thuê hoặc xin trả lại Khách sạn Nice Dream (tên cũ là Khách sạn Hải Sơn) tọa lạc tại số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, P.1, TP.Đà Lạt, một vị trí "vàng" ngay trung tâm của "Thành phố ngàn hoa".

Theo Du lịch Lâm Đồng, việc Cục Thuế Lâm Đồng áp giá thuê tài sản và đất đối với Khách sạn Nice Dream quá cao khiến hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Cụ thể, Du lịch Lâm Đồng cho biết: Số tiền mà công ty phải nộp cho chu kỳ (2020-2024) là hơn 10,2 tỷ đồng/năm, trong đó tiền thuê tài sản là hơn 1,252 tỷ đồng và tiền thuê đất là gần 9 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo tính toán của Du lịch Lâm Đồng, với giá khoảng 700.000 đồng/đêm, công suất phòng bình quân của các khách sạn trên địa bàn Đà Lạt là 70% thì nếu đưa cả 9 phòng làm việc vào kinh doanh thì doanh số tối đa cũng chỉ khoảng 8,2 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tiền thuê lên đến hơn 10,2 tỷ đồng.

“Số tiền thuê tài sản của chu kỳ sau tăng gấp 1,54 lần so với chu kỳ trước và số tiền thuê đất cũng tăng gấp 10,5 lần”, Du lịch Lâm Đồng nhấn mạnh và đề xuất 2 phương án. Một là điều chỉnh đơn giá thuê đất của khách sạn Nice Dream chu kỳ 2020 -2024 tăng không quá 15% so trước đó. Hai là xin được chấm dứt hợp đồng thuê đất trước thời hạn vì khách sạn Nice Dream không thể cân đối được nguồn tài chính để nộp tiền thuê đất chu kỳ 2020 - 2024 như Cục thuế đã thông báo.

Từ thực tế quản lý và sử dụng các tài sản công hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện đầy đủ thủ tục để triển khai, tổ chức thực hiện việc bán đấu giá các cơ sở nhà, đất trên địa bàn để tránh lãng phí, tạo công bằng, minh bạch trong kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm