Theo Phó Thủ tướng, hiện nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam đang tồn tại sự lệch pha trong nền kinh tế, hình thành hai khu vực phát triển biệt lập nhau FDI và khu vực trong nước.
"Vấn đề kết nối như thế nào? Làm thế nào để tránh rủi ro khiến nền kinh tế hình thành 2 khu vực, thậm chí 2 nền kinh tế trong một đất nước? Giải bài toán thế nào, khắc phục ra sao hiện nay Việt Nam chưa có. Chính vì vậy, cần quan điểm tiếp cận và lý giải của các chuyên gia Việt Nam cũng như nước ngoài”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi. Vì thế, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu làm rõ mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam với các nội hàm và cách thức thực hiện.
“Phải chăng động lực là dựa trên nền tảng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiệm vụ nào là trước mắt, hay nhiệm vụ căn cơ của tái cơ cấu nền kinh tế. Giải quyết mối quan hệ nguồn lực nước ngoài là quan trọng và nội lực trong nước là quyết định như thế nào”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Về chiến lược tăng trưởng, Phó Thủ tướng khẳng định: Quan điểm của Chính phủ phải tăng trưởng toàn diện, cho con người, vì con người. Nếu tăng trưởng không vì con người, người dân không được tận hưởng thì không có ý nghĩa. Tăng trưởng phải bền vững nhằm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, kinh tế Việt Nam đã đi hết gần nửa chặng đường của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Trong năm 2017, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực thể hiện ở một số điểm nhấn đáng chú ý, gồm vốn đầu tư khu vực dân doanh tăng mạnh, ước tăng 16% năm 2017 so với 10% của năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước chỉ tăng khoảng 7%, giảm so với mức tăng 13% năm 2016.
Những kết quả nghiên cứu về tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế phù hợp với sự chuyển dịch, phân bổ nguồn lực từ khu vực Nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đó là kết quả của chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp; coi kinh tế tư nhân là động lực của quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều cản trở khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, tái cơ cấu DNNN còn chưa đi vào thực chất; những khó khăn tới từ các tác động của diễn biến chính trị, kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu... cần phải có giải pháp để khắc phục.
Theo Kinhtedothi