VPCP cũng đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hai văn bản nói trên, đề xuất các giải pháp cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc; thông lệ quốc tế, kinh nghiệm của các nước liên quan đến vấn đề này.
Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành ngày 17/10/2017. Sau khi ban hành, Nghị định này đã nhận được những ý kiến phản hồi rất khác nhau từ phía các doanh nghiệp.
Tới đầu năm 2018, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 03/2018 nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến về Thông tư này.
Theo các phản ánh của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), có 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03. Đó là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài, quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu và quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ô tô.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, tính tới ngày 15/2/2018, nhập khẩu linh kiện ô tô đạt kim ngạch là 332 triệu USD. So với mức 387 triệu USD của cùng kỳ năm 2017, có thể thấy, sản xuất trong nước với mặt hàng này vẫn được giữ ở mức ổn định.
Đây được xem là tín hiệu đáng mừng bởi về lý thuyết, kể từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chỉ còn 0%, cơ hội để ô tô ngoại, sản xuất tại Thái Lan, Indonesia đổ bộ vào Việt Nam, nhấn chìm ngành sản xuất ô tô trong nước đã được dự báo trước.
Cùng kỳ này năm ngoái, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ 40% về 30%, lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu đạt con số 7.883 chiếc với kim ngạch 131 triệu USD. Ở thời điểm tháng 2/2016, lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu chỉ đạt 2.768 chiếc với 58 triệu USD.
Còn tại thời điểm 15/2/2018, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ chỉ là 32 chiếc với trị giá 1,1 triệu USD. Ngay trong tuần nghỉ tết Nguyên đán cũng chỉ có 1 chiếc ô tô dưới 9 chỗ được nhập khẩu.
Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu ô tô trong 2 tháng đầu năm 2018 không có sự đột phá kinh ngạc dù thuế nhập khẩu về 0% là bởi những quy định chặt chẽ của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với ô tô nhập khẩu.
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm. Tuy nhiên, dường như không có thống kê chi tiết nào về số lượng lao động làm việc trong khâu sản xuất của ngành ô tô tại Việt Nam để thấy mức độ ảnh hưởng của ngành này nếu các cơ sở sản xuất trong nước phải đóng cửa trước làn sóng áp đảo của ô tô nhập khẩu.
Câu chuyện Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã tuyên bố thành phố Gunsan của nước này đang ở trong tình trạng khủng hoảng về công nghiệp và việc làm do General Motors đóng cửa nhà máy có 2.000 lao động đã cho thấy những hậu quả không dễ dàng khi người lao động không có công ăn việc làm.
Tuy nhiên, Gunsan chỉ là 1 trong 4 nhà máy của GM tại Hàn Quốc với tổng cộng 16.000 lao động đã được GM lên kế hoạch sẽ đóng cửa dù quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong vòng vài tuần tới.
Câu chuyện hàng loạt hãng xe lớn như GM, Ford tiếp tục quay về đầu tư cho sản xuất tại Mỹ theo lời kêu gọi của Tổng thống Trump, hay chuyện GM đóng cửa Nhà máy tại Hàn Quốc cũng là những ví dụ sinh động cho các nhà hoạch định của Việt Nam với ngành ô tô trong quá trình giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế một cách ổn định và bền vững của đất nước.
Thanh Hương