Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về lời kêu gọi giảm lãi suất cho vay?

Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ nỗ lực để đưa mặt bằng lãi suất giảm thêm từ 1,5 - 2%...
Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về lời kêu gọi giảm lãi suất cho vay?

Từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do tác động bất ổn của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp, người dân đang hết sức khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế như vậy, không chỉ các doanh nghiệp, mà Thủ tướng Chính phủ cũng mong ngành ngân hàng cố gắng hạ thêm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, bản thân Hiệp hội Ngân hàng cũng thấy được việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay là điều cần thiết và đã đứng lên kêu gọi sự đồng thuận từ các thành viên.

Ngân hàng đồng loạt hưởng ứng

ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm, khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Dù vậy, VietinBank vẫn nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% rất tích cực, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; tích cực triển khai cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và tín dụng đối với nhà ở xã hội…

“VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cũng như các cam kết và đồng thuận cùng các tổ chức hội viên. Với lời kêu gọi của Hiệp hội về giảm lãi suất 1,5 - 2%, VietinBank sẵn sàng hưởng ứng”, ông Trần Văn Tần khẳng định.

Ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng cũng nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, triển khai tích cực Nghị định 33 và Nghị định 31 của Chính phủ….

Các hoạt động hỗ trợ nền kinh tế cũng diễn ra tích cực tại Agribank. Theo chia sẻ của ông Lê Xuân Trung, Thành viên Hội đồng Thành viên Agribank, từ đầu năm đến nay ngân hàng đã có nhiều lần giảm lãi suất huy động và 7 lần giảm lãi suất cho vay. So với đầu năm 2023, lãi suất cho vay bình quân hiện nay của ngân hàng đã giảm 1%.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng rất chậm. (Nguồn: BVSC).
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng rất chậm. (Nguồn: BVSC).

Bên cạnh đó, Agribank cũng rất tích cực triển khai các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như: Nghị quyết 31, Nghị quyết 33 của Chính phủ; Thông tư 02, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước…. Ví như: việc cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đã thực hiện được cho hơn 2.003 khách hàng với giá trị là 23.400 tỷ đồng; giảm 3% lãi suất cho các khách hàng bất động sản…

Tại TPBank, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TPBank cho biết, dù có quy mô nhỏ nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, TPBank tham gia tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tổng số dư nợ được hỗ trợ lãi suất đến hết 6 tháng là 44.000 tỷ đồng… Ngoài ra, ngân hàng cũng tích cực giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

“Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm hoạt động kinh doanh của HDBank đạt được những kết quả tích cực. Ngân hàng cũng tích cực tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất, chủ động giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, dự kiến đến cuối năm số tiền giảm lãi suất đạt khoảng 350 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thành Đô, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank chia sẻ.

Nhìn chung, các ngân hàng đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của doanh nghiệp, Hiệp hội Ngân hàng và Chính phủ về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%. Đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kiến nghị đồng bộ thêm các giải pháp khác

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, các doanh nghiệp hết sức khó khăn, gần như các nguồn lực dự trữ không còn, thị trường vốn, bất động sản trầm lắng…. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp.

Để có thể vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần có sự đồng bộ trong các giải pháp. Theo đó, ông Hùng đã nêu một số kiến nghị và đề xuất cụ thể tới các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Chính phủ, đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành đáng giá đúng thực trạng khó khăn của nền kinh tế, trên cơ sở đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (như thời điểm dịch Covid-19) đối với những chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ.

Cùng đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ về thủ tục pháp lý đối với những dự án dở dang, nhà ở xã hội; triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao vai trò quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương, rà soát đánh giá hiệu quả quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên cơ sở đó bổ sung vốn cho quỹ này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn tại tổ chức tín dụng được vay vốn khởi nghiệp hoặc khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đồng thời đề nghị giảm thuế VAT cho các ngân hàng thương mại như các doanh nghiệp khác để có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023.

các ngân hàng dự kiến giảm lãi suất cho vay

Đối với các bộ, ngành, ông Hùng đề nghị Bộ Công An, Viện Kiểm sát, Tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng hợp pháp trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.

Đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo tòa án các cấp thống nhất hình thức xử lý tranh chấp liên quan đến chủ tài sản bảo đảm tạo tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng

Bộ Tài chính phối hợp bộ, ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý để chứng khoán hóa các khoản nợ, ban hành hướng dẫn về định giá khoản nợ xấu theo quy định của Luật Giá, hình thành thị trường mua bán nợ. Đồng thời nghiên cứu chính sách phù hợp để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, tạo niềm tin với nhà đầu tư và hạn chế tình trạng thao túng thị trường chứng khoán.

Tổng cục thi hành án dân sự rà soát những bản án thi hành còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị xem xét phân bổ room tín dụng một lần ngay từ đầu năm trên cơ sở các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ các chỉ tiêu an toàn, nhất là các ngân hàng đã triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III.

"Mong Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép kéo dài thời gian áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34% tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN đến ngày 30/9/2025 thay vì đến hạn ngày 30/9/2023", ông Hùng nêu quan điểm.

Một đề xuất đáng chú ý nữa liên quan tới việc xem xét sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ lên 24 tháng đối với khoản nợ vay trung dài hạn, nghiên cứu một số kiến nghị của các tổ chức tín dụng tại Thông tư 06/2023 có hiệu lực từ ngày 1/9, hướng dẫn triển khai Nghị định 08/2023 của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn trái phiếu với tổ chức tín dụng là trái chủ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...