Lãnh đạo The Green Solutions: Có nắng, có gió, có biển, Việt Nam tự tin thành trung tâm hydrogen xanh của châu Á

Do hội tụ đủ 3 yếu tố nắng, gió và nước biển, Việt Nam có thể tự tin trở thành trung tâm phát triển hydrogen xanh của châu Á…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị

Ngày 22/2, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị triển khai chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024.

Theo các nghiên cứu, đánh giá, hydrogen là năng lượng sạch, an toàn, nhiệt lượng cao và đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Đây cũng là nguồn năng lượng được dự báo sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng cơ cấu năng lượng của Việt Nam thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn The Green Solutions, nhà đầu tư sản xuất hydrogen đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Trà Vinh cho rằng, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km là một lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo.

“Tại sao chúng ta có thể tự tin về việc trở thành trung tâm phát triển hydrogen xanh của châu Á, là bởi vì Việt Nam có nắng có gió, nước biển, đó là các nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ra hydrogen xanh”, bà Quyên nhấn mạnh.

Theo bà Quyên, tiềm năng lớn trong sản xuất hydrogen xanh là bán tín chỉ carbon thông qua sản phẩm amoniac xanh. Đây sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong bối cảnh thị trường mua bán tín chỉ carbon phát triển trong thời gian tới

Bên cạnh đó, chiến lược năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.

Mục tiêu đặt ra trong chiến lược năng lượng hydrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Về sản xuất năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030, triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam, thu giữ/sử dụng carbon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác, phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100.000 – 500.000 tấn/năm.

Định hướng đến năm 2050, tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến. Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Về sử dụng năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030, từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen phù hợp và đồng bộ với lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng của nền kinh tế bao gồm sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại và dân dụng.

Đến năm 2050, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen xanh và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng để khử carbon nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050.

Cùng với đó là hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh với các dạng năng lượng khác. Phấn đấu tỷ trọng năng lượng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, chiến lược năng lượng hydogen đã đề xuất một loạt cơ chế, chính sách mới gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, áp dụng các công cụ thị trường thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên đẩy mạnh hợp tác quốc tế và công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của nền kinh tế hydrogen và các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sạch đến toàn xã hội.

Có thể bạn quan tâm