Ngày 31/10, Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội tổ chức Diễn đàn khoa học, tập trung về chủ đề 'Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0'.
Tại Diễn đàn, TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cảnh báo, ở Việt Nam, Chính phủ đang tích cực, chủ động tham gia và minh chứng rõ nhất là đang xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc Cách mạng, họ sẽ dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xấu khác.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định: “Là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, nhưng chưa “vàng” về chất lượng, do có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và không dễ khai thông “một sớm, một chiều”, bởi một lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua”.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chỉ ra rằng thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu và phổ biến là cung và cầu lao động kỹ năng thấp. 46 triệu lao động Việt Nam đứng trước nguy cơ mất cơ hội tham gia những công việc có mức thu nhập cao, bị đe dọa thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Thuật khẳng định, trong thời đại mới, dù robot, nhà máy thông minh hay dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn toàn có thể thay thế, làm tốt hơn người lao động ở một số công việc nhất định, nhưng điều này sẽ không thể diễn ra theo hướng một chiều.
Trên thực tế, việc làm truyền thống trong một số ngành nghề giảm đi, thậm chí sẽ mất đi, nhưng bên cạnh đó, xu hướng việc làm mới cũng sẽ được tạo ra cho người lao động nói chung và lao động giản đơn, đặc biệt là việc làm trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ, phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng. TS. Nguyễn Văn Thuật nêu quan điểm.