Tuy nhiên, bên cạnh đó, sẽ xuất hiện những gánh nặng mới cho DN cũng như vấn đề về quản lý vốn nhà nước, bộ máy quản lý hệ thống DN. Cách nào vẹn toàn trong việc bảo toàn vốn và phát triển DNNNhiện nay khi hầu hết các đơn vị lớn hoạt động không mấy hiệu quả.
“Siêu” ủy ban, “siêu” nhân lực
Trao đổi với PV, lãnh đạo một tổng công ty ngành xây dựng có tên trong danh sách được đề xuất đưa về “siêu” ủy ban quản lý khẳng định, đây sẽ là một mô hình khó có thể thành công, nếu không muốn nói có thể thấy rõ khả năng thất bại. Điều này do “siêu” ủy ban quản lý được lập ra với tham vọng quá sức tưởng tượng, khi muốn quản lý một mảng công việc bao trùm mọi mặt sản xuất của nền kinh tế, từ công nghiệp(dệt may, giấy, bia rượu, hóa chất,...) cho đến nông nghiệp, rồi vận tải, hàng không, xây dựng và cả tài chính.
Chưa kể mỗi tập đoàn, tổng công ty mà “siêu” ủy ban này muốn kiểm soát có hàng chục, thậm chí cả trăm công ty con, công ty cháu. Trong đó không ít đơn vị đang trong tình trạng khó khăn, thua lỗ nhiều năm nay không giải quyết được. “Dám chắc siêu ủy ban này phải có hàng trăm, hàng nghìn nhân lực với “ba đầu, sáu tay” mới có thể quản lý, chưa kể xử lý những vấn đề nội tại của các DNNN hiện nay. Họ còn chưa lường đến tình trạng lợi ích nhóm, cũng như những vấn đề liên quan đến con ông cháu cha.
Tôi tin sẽ rất khó thực hiện”, vị này khẳng định. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, lập “siêu” ủy ban sẽ kéo theo một khối lượng công việc khổng lồ. Từ phân định trưởng ban, các phó trưởng ban cho đến các vị trí quản lý khác. Nếu mục đích chỉ đơn giản là tách ra khỏi bộ chủ quản, chỉ cần giao nguyên cho Bộ KH&ĐT là ổn. Đây là bộ “trung gian“, không nhiều lợi ích như các bộ chủ quản hiện nay nên việc sắp xếp sẽ dễ hơn.
Vấn đề quan trọng nhất, theo ông Thành, cần xem mục đích chính lập ra ủy ban là gì: Có phải nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa các DNNN mà Chính phủ không cần nắm giữ? Với mục đích này, chỉ cần lập một ban chỉ đạo T.Ư theo sát việc cổ phần hóa các đơn vị. Lập ủy ban hay làm gì để quản lý tài sản nhà nước thì vấn đề lớn nhất là chọn con người. Không chọn được người đủ tầm quản lý thì thì lập ra rồi cũng lại ngồi chơi.
“Còn quyết lập ủy ban thì phải cho họ có thực quyền, không có cảnh phải chịu chỉ đạo, gây sức ép từ ông này, ông kia trong việc bổ nhiệm, can thiệp và hoạt động của DN. Nếu không, đừng đẻ thêm cơ quan quản lý hành chính nữa, chỉ khổ DN”, ông Thành nói.
Phải có cơ chế thực quyền
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, xóa bỏ chế độ các bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước là việc cần làm. Tuy nhiên, việc Bộ KH&ĐT đề xuất lập một Ủy ban hay bộ chuyên quản DN nhằm quản lý khối tài sản nhà nước được định giá khoảng 130 tỷ USD nằm ở các tập đoàn, tổng công ty thì không nên. Theo ông Lộc, dù lập ủy ban thì vẫn là cơ quan quản lý hành chính. Trong quản trị, để cho một cơ quan hành chính quản lý vốn và tài sản nhà nước là không phù hợp.
“Có thể lập 2-3 tập đoàn quản lý vốn của Nhà nước hoạt động như các công ty tài chính trong việc đầu tư vào DN. Các tập đoàn tài chính này sẽ hoạt động với tư cách nhà đầu tư, không phải cơ quan chủ quản, càng không phải cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vậy sẽ đảm bảo cho DN hoạt động tự chủ hơn, hiệu quả hơn. Mô hình này các nước cũng đã áp dụng, ví dụ Singapore có Temasek”, ông Lộc đề xuất.
Tuy nhiên, ông Bùi Kiến Thành lại cho rằng, việc lập các mô hình quản lý như kiểu của Temasek không phù hợp với Việt Nam do đây là mô hình tập đoàn tài chính chuyên đi đầu tư vào DN. “Cái khác cơ bản so với các mô hình tập đoàn tài chính ở các nước đó là Việt Nam đang muốn rút vốn đầu tư mắc kẹt tại DNNN và tổ chức lại các DN này để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Thành nêu ý kiến.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan việc có một cơ quan chuyên quản để tách quyền quản lý của các bộ ngành là việc cần thực hiện trong bối cảnh nhiều DNNN càng ngày càng không chứng tỏ được sức mạnh của các quả đấm thép. “Lập ủy ban sẽ giúp giảm nỗi lo lợi ích nhóm chi phối chính sách và tạo bất bình đẳng nhờ các “ưu đãi” trong hoạt động của DNNN với các DN bình thường khác.
Tuy nhiên, làm thế nào thì đúng là không đơn giản, bởi bên cạnh cái được cũng có cả nguy cơ. Việc đề nghị thành lập một ủy ban, theo tôi, cần tính kỹ. Cùng đó, cần có cơ chế thật minh bạch, công khai để xã hội giám sát”, bà Lan cảnh báo.
Điểm mặt các tập đoàn, tổng công ty do “siêu” Ủy ban quản lý
Các tập đoàn thuộc Bộ Công Thương gồm: Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp than khoáng sản, Hóa chất, Xăng dầu, Dệt may. Các Tổng Cty gồm: Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, Bia rượu nước giải khát Hà Nội, Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Thuốc lá Việt Nam, Giấy Việt Nam, Thép Việt Nam.
Bộ Giao thông Vận tải có 5 Tổng Cty gồm: Cảng hàng không Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 5 Tập đoàn, Tổng Cty: Công Nghiệp Cao su Việt Nam, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Cà phê Việt Nam, Lâm nghiệp Việt Nam.
Bộ Xây dựng có 3 Tổng Cty gồm: Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp, Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).
Bộ Tài chính có Tập đoàn Bảo Việt.
Bộ Thông tin Truyền thông có 2 Tập đoàn, Tổng Cty gồm: Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Truyền thông đa phương tiện.
Bộ Y tế chỉ có Tổng Cty Dược Việt Nam.
Theo Phạm Tuyên/Tiền phong