Lễ hội văn hóa thổ cẩm cấp quốc gia lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Đắk Nông

Từ ngày 05 - 7/1/2019 tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sẽ diễn ra lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 20
Lễ hội văn hóa thổ cẩm cấp quốc gia lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Đắk Nông

Từ ngày 05 - 7/1/2019 tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sẽ diễn ra lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2019.

Trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước Việt Nam rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng biểu đạt các giá trị nhân văn, đó là quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan, các giá trị về phong tục tập quán, kỹ thuật trang trí hoa văn, bố cục đường nét, màu sắc trên vải…

Đây là di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu, di sản này dần bị mai một. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đặt kỳ vọng lễ hội thổ cẩm sẽ góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam. Lễ hội cũng sẽ là cầu nối cho các sản phẩm thổ cẩm tới tay người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho ngành thổ cẩm được giữ gìn và phát triển bền vững.

"Đến với lễ hội, du khách sẽ có dịp khám phá kho tàng truyền thuyết, sử thi của các dân tộc thiểu số, hào hứng tham gia những cuộc thi dệt thổ cẩm, xem trình diễn trang phục truyền thống và thời trang. Đặc biệt, một hội chợ thương mại về sản phẩm thổ cẩm sẽ được tổ chức, du khách trong nước và quốc tế có thể mua sắm các sản phẩm thổ cẩm chất lượng. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản địa phương và tham gia chơi các trò chơi dân gian.

Lễ hội cũng tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số học tập, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu văn hóa với các du khách đến từ khắp mọi miền.

Theo dự kiến, ở những năm tiếp theo lễ hội sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại thị xã Gia Nghĩa. Đồng thời, quy mô của lễ hội sẽ được mở rộng dần với việc mời thêm nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tiến tới mời một số nước trên thế giới tham gia.

Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động, như Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm và không gian ẩm thực, Hội thảo văn hóa thổ cẩm Việt Nam, Lễ hội đường phố và Trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng nhằm giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía nam Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó thổ cẩm là một trong phương tiện biểu đạt. Thổ cẩm cũng là di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển.

“Hiện nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm còn nhiều hạn chế, vì vậy, thông qua hoạt động của lễ hội, chúng tôi kỳ vọng lễ hội sẽ là cầu nối cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm nhằm hướng tới phát triển bền vững nghề thổ cẩm và các sản phẩm thổ cẩm sẽ tìm được đầu ra vững chắc”, bà Hạnh nói.

Diễn ra song song với lễ hội, chiều 5/1/2019, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Nông.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản hợp tác đầu tư cho các dự án về máy điện mặt trời, điện năng lượng mặt trời, các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các dự án nông nghiệp công nghệ cao; phát triển khu thương mại dịch vụ du lịch; phát triển các tuyến, điểm du lịch…với tổng vốn đầu tư mục tiêu đến hết ngày tổ chức hội nghị là 100.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết, trong giai đoạn từ 2018-2020, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư vào 25 dự án khác với tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.660 tỷ đồng vào các lĩnh vực nông nghiệp; hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch…

Có thể bạn quan tâm