Trao đổi với Thương Gia, ông Thomas Debelic - Chủ tịch Hiệp hội Các DN Đức tại Việt Nam (GBA) cho rằng, có 4 vấn đề cần cải thiện để sự liên kết đi vào thực chất.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Các DN Đức tại Việt Nam, ông có thể cho biết, các chính sách của Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì đối với các DN FDI?
So với các nước láng giềng, Việt Nam rõ ràng là một thị trường hấp dẫn với những con số tăng trưởng trong những năm gần đây. Tuy nhiên tôi muốn bình luận về những chính sách của Việt Nam đang gây bất lợi cho việc thu hút FDI. Tôi sẽ chọn ba chủ đề mà tôi xem là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai của Việt Nam: Cơ sở hạ tầng, sự sẵn có của lực lượng lao động có tay nghề và độ tin cậy về chiến lược và tài chính.
Với cơ sở hạ tầng, yếu tố quyết định cho một công ty mới gia nhập thị trường, bên cạnh những yếu tố khác thì sự “hiện diện” của cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng. Tại Việt Nam, sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng không cân đối so với tăng trưởng kinh tế ví dụ như sự chậm trễ của các dự án trong lĩnh vực giao thông công cộng...
Với lực lượng lao động có tay nghề cao, để giáo dục, đào tạo và hội đủ điều kiện để thanh thiếu niên tham gia lao động cần phải có sự đầu tư cũng như có đội ngũ chuyên gia và giáo viên, giảng viên có trình độ. Chúng tôi có nhiều thành viên tư nhân và thể chế tại GBA đang tích cực tham gia vào các dự án giáo dục của Việt Nam, từ các sáng kiến tư nhân nhỏ cho đến các dự án trợ cấp của nhà nước Đức.
Chủ đề thứ ba tôi chọn là độ tin cậy của chiến lược. Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và rơi vào tình trạng cắt điện nếu nhu cầu về điện không được đáp ứng. Thỏa thuận mua bán trong các lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió nếu không có các mô hình và quy định chặt chẽ rõ ràng là một sự bất an đáng kể đối với các nhà đầu tư tiềm năng; trong khi đó Đức có hơn 30% năng lượng từ các nguồn tái tạo và các công ty hoạt động toàn cầu của Đức - những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này là các đối tác cho các dự án bền vững tại Việt Nam.
Một ví dụ khác gây trở ngại cho việc lập kế hoạch tài chính là tăng thuế nhập khẩu và các quy định thay đổi. Những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư, đặc biệt là cho các DN hậu cần, thực phẩm và nông nghiệp.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đối với các nhà đầu tư là việc thực hiện kịp thời các thỏa thuận thương mại: Hiệp định thương mại tự doÂu - Việt trở nên hiệu quả và đầy đủ chức năng sẽ giúp Việt Nam trở thành một nơi hấp dẫn đáng kể để đầu tư...
Đối với GBA, câu hỏi pháp lý quan trọng nhất hiện nay ở Việt Nam là quyền của các cá nhân và tập đoàn Việt Nam để trở thành thành viên trong hiệp hội thương mại/kinh doanh song phương. Thực tế là các cá nhân và tập đoàn Việt Nam có thể là thành viên và có đủ quyền biểu quyết giống như một công ty hoặc cá nhân Đức.
Về thủ tục pháp lý, Việt Nam cần cải thiện điều gì để có thể tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho DN Đức sắp và đang đầu tư tại Việt Nam?
Trong chuyến thăm Nhà nước vào tháng 10/2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ký “Hiệp định Hà Nội” với Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau khi thành lập chương trình “Quan hệ đối tác ưu tiên” giữa Việt Nam và Đức. Việc thành lập Phòng Thương mại song phương Đức - Việt đã được đưa vào dự tính. Mô hình Phòng song phương Đức - Địa phương tồn tại trên toàn thế giới ở gần 80 quốc gia. Một Phòng song phương không chỉ cung cấp, tiếp cận thị trường cho DN Đức ở Việt Nam mà còn cho DN Việt Nam ở Đức và Châu Âu nói chung.
Kể từ năm 2011, GBA/GIC phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Đức, đã nhiều lần gửi các tài liệu cần thiết cho các cơ quan chức năng Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, Phòng song phương này vẫn chưa được hiện thực hóa. Việc thành lập Phòng Thương mại Đức-Việt sẽ là một cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa song phương.
Bàn về vấn đề liên kết, theo ông, cần làm gì để DN Đức và DN Việt Nam liên kết với nhau nhằm thực hiện chuỗi giá trị tại Việt Nam?
Câu hỏi của bạn liên quan đến việc thực hiện mô hình chuỗi giá trị ở Việt Nam là chủ đề của nhiều kênh báo chí khác nhau. Các thành viên Eurocham và Hiệp hội DN Đức GBA đã đề cập đến vấn đề này trong công việc vận động chính sách.
Để cải thiện vấn đề này, thứ nhất Việt Nam cần đa dạng hóa, tập trung vào các lĩnh vực khác và giúp các công ty địa phương phát triển, sáng tạo bằng cách đầu tư vào giáo dục.
Thứ hai, Việt Nam cần phải trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư không chỉ vì lực lượng lao động, giá cả phải chăng mà còn vì một thế hệ trẻ có kỹ năng và sự sáng tạo. Điều này cần có thời gian và cả sự hỗ trợ từ nước ngoài.
Thứ ba, Việt Nam cần phải hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài để không chỉ mở ra một dây chuyền lắp ráp đơn thuần mà phải trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Thứ tư, ngoài việc xây dựng thương hiệu và quảng bá “Made in Vietnam”, một thuật ngữ mới “Phát minh tại Việt Nam” nên được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Một chuỗi giá trị hoàn chỉnh cần sự tinh tế và tài năng sáng tạo, xuất sắc chứ không chỉ mỗi tay nghề vững chắc.
Với sự giáo dục và đào tạo đúng chuẩn, Việt Nam sẽ hoàn thành chuỗi giá trị và có thể tham gia vào thị trường nước ngoài. Cần nhắc lại, các thành viên của GBA và những bên liên quan là những người ủng hộ và huấn luyện chương trình đào tạo nghề và giáo dục kép thành công.
Xin cảm ơn ông!
>> Đến thời đổi "chất" lấy "lượng"