Lộ diện những “phác họa đầu tiên” về đô thị sáng tạo tại TP.HCM

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM” diễn ra cuối tuần qua đã chỉ ra những giải pháp cụ thể giúp TP.HCM sớm trở thành đô thị thông
Lộ diện những “phác họa đầu tiên” về đô thị sáng tạo tại TP.HCM

Các chuyên gia tin rằng đến năm 2020, TP.HCM sẽ có những thay đổi rõ rệt để có thể nhận diện được gương mặt của một thành phố thông minh.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: Đô thị sáng tạo có khái niệm rất rộng, không có định nghĩa nào duy nhất, ở mỗi TP tùy thuộc vào đặc điểm của mình mà sẽ có cách phát triển khác nhau. Tuy nhiên, cũng như nhiều chuyên gia khác, ông Ousmane Dione nhấn mạnh nhân tố quan trọng nhất để xây dựng thành công đô thị sáng tạo chính là yếu tố con người.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Giáo sư Jeong-Ho Kim, Giám đốc Đại học Gangwon, Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc có đến 20 khu đô thị thông minh (hay còn gọi là khu đô thị sáng tạo) lớn nhỏ, diện tích của đô thị sáng tạo TP.HCM lớn gấp 20 lần so với đô thị sáng tạo Pangyo, đủ sức để phát triển công nghệ tiên tiến, thương mại cũng như giáo dục, văn hóa… Tuy nhiên, TP.HCM cần phải nhận dạng các khu vực có tiềm năng phát triển tốt để phát triển công nghệ cao, khu dân cư thương mại cao cấp, các trường - viện, đồng thời gom lại tạo thành các cụm để tương tác phát triển với nhau…

“Ở đô thị sáng tạo, người dân cần có tư tưởng cởi mở để sẵn sàng chia sẻ thông tin, ngược lại cần có sự thay đổi thái độ của các cơ quan quản lý chính quyền trong việc thực hiện công việc một cách minh bạch, hiệu quả”, Giáo sư Jeong-Ho Kim nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định: Xây dựng một thành phố thông minh không chỉ áp dụng các sản phẩm công nghệ thông minh mà quan trọng là xây dựng được cộng đồng dân cư văn minh.

Con người chính là chủ thể để xây dựng nên thành phố thông minh. Vì vậy, dân trí cần được nâng cao, nhận thức của người dân phải thực sự thay đổi trong vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan sống.

Đối với lĩnh vực giao thông, chính quyền TP xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng thì người dân cần ủng hộ bằng cách tham gia đi lại bằng phương tiện công cộng. Người dân phải chấp nhận thay đổi một số thói quen mà tưởng chừng khó thay đổi như không đi xe máy. Văn minh chỉ được tạo ra khi ý thức thay đổi, hướng đến cái chung vì cộng đồng.

Ngoài ra, Tp.HCM xây dựng hệ thống chính quyền điện tử và thực hiện các giải pháp thông minh bằng sản phẩm công nghệ thông tin thì người dân cũng phải theo kịp bằng cách tự học trên mạng, phải thay đổi để đáp ứng yêu của xây dựng một thành phố thông minh.

Ông Carlos Cubillos, Giám đốc thiết kế Công ty Tư vấn kiến trúc Gensler cho rằng: Để tạo nên thành phố thông minh phải dựa trên con người. Thành phố thông minh sẽ giúp người dân có trải nghiệm tốt hơn, cuộc sống và công việc chất lượng hơn. Do đó, những công cụ và những giác quan phải được tính tới trong đời sống hàng ngày.

“Với chúng tôi, một thành phố thực sự thông minh phải được thiết kế làm sao để tận dụng được quy mô nguồn nhân lực, có thể tạo ra nhiều cơ hội thiết lập mối quan hệ giữa mọi người, và phải giúp cho mọi người có cuộc sống hạnh phúc, tăng nhận thức về việc tạo ra hạnh phúc trong cuộc sống”, ông Carlos khẳng định.

Đại diện Gensler cho hay, đơn vị đang tiến hành làm dự án do Bitexco đề xuất trở thành khu đô thị sáng tạo, thông minh là Bình Qưới – Thanh Đa. Ông Carlos tiết lộ, dự án này được quy hoạch trở thành khu đô thị sáng tạo, thông minh với đủ các tiêu chí sinh thái hiện đại.

Trong đó, khu đô thị này sẽ kết hợp nhiều chức năng và tạo ra nhiều cơ hội phát triển. Một môi trường an toàn mà con người có thể làm việc thoải mái, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhà cửa tiện nghi, nơi làm việc… tất cả trong pham vi gần mà người dân chỉ cần đi bộ là có thể đến nơi.

“Tôi không tin, một thành phố thông minh mà người dân phải đi hàng chục cây số bằng xe máy , ô tô để đến được nơi mong muốn”, ông Carlos nhấn mạnh.

Nói về dự án quy hoạch khu Bình Qưới – Thanh Đa trở thành khu đô thị thông minh, sáng tạo trong tương lai, ông Steven Hsun Lee – Giám đốc thiết kế Tập đoàn Bitexco cho rằng: Dự án khu đô thị bán đảo Bình Qưới - Thanh Đa là cơ hội quan trọng để hướng tới một thành phố phù hợp cho thế kỉ 21.

Dự án này được tạo ra để hướng tới việc phục vụ không chỉ cộng đồng hiện tại mà còn cả thế hệ tương lai. Dựa trên những thay đổi tiên tiến về công nghệ và lối sống, trong tương lai, cách mọi người đi lại, cách mọi người sống, và cách mọi người tương tác cũng như kết nối với nhau sẽ khác rất nhiều so với hiện nay.

Theo ông Steven, ngoài việc phát triển về phần cứng như cơ sở hạ tầng, đường xá, khu đô thị Bình Qưới – Thanh Đa còn hội tụ các yếu tố khác thu hút được nhiều người tới khu vực này. Vì là thiết kế thành phố cho tương lai nên phần lớn cư dân tại đây sẽ là thế hệ trẻ.

“Vậy làm cách nào để thu hút người trẻ tới khu vực này? Đó chính là việc cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng tiêu chuẩn thế giới, cùng với những tiện nghi đa dạng và đồng bộ hoá về chức năng, tạo được sự tiếp cận 24/7”, ông Steven khẳng định.

Liên hiệp Quốc ước tính vào năm 2050, cứ 10 người trên thế giới thì có 8 người sống ở các thành phố. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến các chuyên gia môi trường lo lắng, cảnh báo tương lai của hành tinh này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tài xoay xở của các nhà quy hoạch đô thị.

Theo các chuyên gia, chúng ta có quyền tin rằng đến năm 2020, TP.HCM sẽ có những thay đổi rõ rệt để có thể nhận diện được gương mặt của một thành phố thông minh. Nhưng song song với việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ và xây dựng các trung tâm dữ liệu thì phải tập trung tối đa cho việc xây dựng một cộng đồng cư dân đô thị văn minh.

Có thể bạn quan tâm