Lỗ nặng, nhà máy đóng tàu Dung Quất bên bờ phá sản

Tại thời điểm chuyển giao về Petro Vietnam (30/6/2010), DQS có vốn điều lệ hơn 3.758 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (
Lỗ nặng, nhà máy đóng tàu Dung Quất bên bờ phá sản

Hơn 1.200 lao động nhà máy đóng tàu Dung Quất đang có nguy cơ mất việc làm

Bộ Công Thương vừa có báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất (DQS).

DQS là đơn vị chủ quản của nhà máy đóng tàu Dung Quất, được Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC, tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam - Vinashin) thành lập vào năm 2006.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin, từ tháng 7/2010, Vinashin đã bàn giao DQS sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Theo báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển giao về Petro Vietnam (30/6/2010), DQS có vốn điều lệ hơn 3.758 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.

Sau khi nhận bàn giao từ Vinashin, đến nay, Petro Vietnam đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ.

Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2016, vốn điều lệ của DQS là 1.990 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn hơn 6.893 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỷ đồng.

Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ tháng 1/7/2010 đến ngày 30/6/2016 là 2.439 tỷ đồng.

DQS đã có lãi trở lại vào các năm 2014 - 2015, nhưng dự kiến do tình hình khó khăn, năm 2016 sẽ lại lỗ khoảng 103,7 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, tài sản cố định của DQS đa số được đầu tư từ giai đoạn thuộc Vinashin, chưa được quyết toán nhưng đã đưa vào sử dụng và trích khấu hao. Hiệu suất sử dụng tài sản thấp, chỉ đạt 20-30%. Nhiều trang thiết bị không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất, dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm của công ty rất lớn.

DQS có ba khoản vay lớn tại Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thuỷ (VFC) 490 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 528 tỷ đồng và nhà thầu YMC-Transtech (548 tỷ đồng).

DQS cũng còn nợ phí bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay YMC-Transtech 64,2 tỷ đồng, và khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Đóng mới và sửa chữa tàu dầu khí Nhơn Trạch 119,6 tỷ đồng.

Để giải cứu DQS, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu thực hiện phương án chuyển giao nguyên trạng DQS từ Petro Vietnam về lại SBIC, theo hình thức tăng giảm vốn giữa hai doanh nghiệp Nhà nước. Giao Petro Vietnam phối hợp với SBIC đề xuất phương án cụ thể, bao gồm phương thức chuyển giao, giải pháp xử lý tài chính, cơ chế chính sách đặc thù…

Bộ cho rằng, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó Petro Vietnam sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai, khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, Petro Vietnam sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS.

Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế, trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

Bộ Công Thương khẳng định: “Phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi, thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định”.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng từng đưa ra ba phương án để giải cứu DQS.

Phương án thứ nhất, tiến hành tái cơ cấu nhà máy đóng tàu Dung Quất theo hướng xử lý các tồn tại, căn cứ pháp lý, thẩm quyền quyết định, đánh giá hiệu quả của nhà máy sau khi tái cơ cấu. Trong đó, nhà máy có thể trực thuộc Petro Vietnam hoặc tách khỏi Petro Vietnam.

Phương án thứ hai là chuyển nhượng công ty. Petro Vietnam sẽ lên kế hoạch, hình thức, điều kiện và khả năng thực hiện.

Phương án ba là cho phá sản nhà máy theo quy định. Petro Vietnam đánh giá các pháp lý liên quan, khả năng thực hiện, thiệt hại về vốn đầu tư tài sản của nhà nước… để trình Chính phủ xem xét.

Theo Bạch Dương/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...