Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại kỳ họp Quốc hội bất thường là việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đại biểu đoàn Đắk Nông), nhấn mạnh nguyên tắc sửa đổi quy định trong Luật Nhà ở nhằm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai các dự án nhà ở thương mại.
Đồng thời, việc sửa đổi nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phòng ngừa trục lợi chính sách.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Giang bày tỏ băn khoăn khi điểm c, khoản 1 quy định có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở vì như vậy mở rộng diện giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không qua đấu thầu dự án và không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
“Về mặt nhà đầu tư và doanh nghiệp là hoàn toàn thuận lợi nhưng rõ ràng phải đánh giá được lợi ích giữa cộng đồng, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp như thế nào?”, vị đại biểu này nói.
Nếu sửa đổi theo dự thảo, lúc đó nhà đầu tư hoàn toàn có quyền chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở không phải qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án? Như vậy lại chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lý giải, Luật Nhà ở vướng mắc cơ bản bây giờ là quy định hiện hành chưa thật rành mạch về hình thức sử dụng đất. Đất ở thì sử dụng đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhưng đất ở mà có lẫn các loại đất khác như đất nông nghiệp, đất kinh doanh dịch vụ, thì nếu quy hoạch đất đó chuyển đổi thành phát triển đô thị, nhà ở thì nhà đầu tư có được sử dụng các loại đất không phải đất ở để làm nhà ở thương mại hay không?
Theo đánh giá của Chính phủ, hiện đang có nhiều vướng mắc, cả ở Hà Nội, TPHCM, nhiều dự án đang bị treo vì quy định chưa thật rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi Luật Đầu tư, liên quan đến trình tự, thủ tục chấp thuận loại dự án này thì chỉ quy định nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp thôi, mà không nói là đất gì.
Nhiều nội dung đã được Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện dự án. Song vấn đề quan trọng được ông Tùng nêu, sau khi luật này được ban hành có dẫn đến tình trạng nhà đầu tư đổ xô đi thu gom đất chưa phải là đất ở, để sau đó chờ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt sẽ bán đi để thu lợi hay không?
“Đó là trục lợi chính sách, chúng ta phải dự báo trước vấn đề này để có đánh giá và quy định cho rõ”, ông Tùng cho hay.
Ông Tùng lấy ví dụ, một nhà đầu tư đang có diện tích đất rất lớn sử dụng vào việc nuôi bò làm sữa, đó là đất nông nghiệp hợp pháp. Nhưng sau đó nhà nước quy hoạch toàn bộ khu vực đó thành đô thị. Quy hoạch rồi, phê duyệt rồi, có kế hoạch sử dụng đất rồi, thế thì nhà đầu tư có quyền sử dụng đất đó để đầu tư dự án nhà ở thương mại nếu họ có nhu cầu hay không? Họ có quyền đề nghị phê duyệt chủ trương để họ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, hay nhà nước sẽ thu hồi để đấu giá, đấu thầu dự án?
“Đấu giá thì có thể thu được giá cao hơn, nhưng cũng đặt ra những vấn đề như ở Thủ Thiêm vừa qua, đấu giá đất với giá cao vô cùng bất thường cũng là vấn đề”, ông Tùng nói. Theo ông Tùng, nếu quy định được giá đất sát với giá thị trường, thì chênh lệch sẽ không quá lớn.
Liên quan đến quy định cho phép địa phương phê duyệt dự án dưới 300ha, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, với những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hay Đà Nẵng, năng lực quản lý tốt có thể làm được, còn một số địa phương khác, năng lực quản lý có độ chênh, nên rất khó.
“Nếu phân cấp đồng loạt sẽ xảy ra vấn đề phức tạp ở địa phương. Việc điều chỉnh quy hoạch ở địa phương rất dễ, nên cần có sự phân loại”, ông Thành đề xuất.