Loạt nguyên nhân đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao

Vấn đề giá vé máy bay nội địa tăng đã gây xôn xao trong dư luận, được phản ánh liên tục trên các phương tiện truyền thông từ đầu năm đến nay. Điều này khiến cho các cơ quan quản lý phải đưa ra các văn bản chỉ đạo, vào cuộc kiểm tra và rà soát gắt gao…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
may-bay-1840.jpg
Từ đầu năm 2024, tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao xuất hiện liên tục

Thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo về tình hình giá vé máy bay nội địa 4 tháng đầu năm 2024.

VẪN TRONG KHUNG QUY ĐỊNH

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn luôn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.

Cụ thể, với đường bay Hà Nội – TP.HCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức 44,1 - 77, 6%.

Đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi/đến Đà Nẵng, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17 - 26%), Vietjet Air khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/đường bay (tăng từ 32 - 38%), Bamboo Airways khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/đường bay (tăng từ 13 - 29%) và Vietravel Airlines khoảng 1,1 - 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14 - 20%). So với mức giá tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình của các hãng chỉ ở mức 38,1 - 62,3%.

Đối với đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), Vietjet Air xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). So với mức giá tối đa theo quy định (4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này ở mức 45 - 68%.

Đường bay từ Hà Nội - Nha Trang có giá vé trung bình ở mức 42,6 - 60,8% so với mức tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí). Giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2 triệu đồng (tăng 7%), Vietjet Air khoảng 1,55 triệu đồng (tăng 39%), Bamboo Airways khoảng 1,45 triệu đồng (tăng từ 3%).

Thống kê trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Ngoài số hành khách đặt sớm có thể mua được vé máy bay ở dải giá thấp, số còn lại đặt muộn, sát ngày bay thì phải trả tiền mua cao hơn.

Đối với các đường bay sớm lấp đầy, việc mua được vé sẽ khó khăn hơn và giá vé sẽ cao hơn. So với giá vé máy bay nội địa và một số nước trên thế giới, trong khu vực Đông Nam Á, mức giá vé máy bay của Việt Nam đang ở mức tương đương.

so-sanh-gia-6738.jpg

Theo chỉ đạo mới nhất, Cục Hàng không đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Thời hạn kiểm tra trong 3 ngày làm việc, từ ngày 7/5 - 9/5. Thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1/2024 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra. Đoàn kiểm tra gồm 10 người do Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm làm trưởng đoàn.

GIÁ TĂNG DO ĐÂU?

Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam xác nhận có 5 nguyên nhân chính tác động tới giá vé máy bay tăng cao.

Đầu tiên là giá nhiên liệu tăng cao. Theo số liệu cập nhật của IATA, giá nhiên liệu Jet-A1 khu vực Châu Á ngày 26/4/2024 là 100,25 USD/thùng. Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015 (là thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).

Tháng 4/2024, giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực châu Á là 100,25 USD/thùng, tương đương mức giá giai đoạn tháng 4/2023 là 100,17 USD/thùng. Tuy nhiên, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 (1 USD = 25.454 VND) biến động tăng 8% so với tháng 4/2023 (1 USD = 23.620 VND). Với tỷ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Thứ hai là chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ. Xét về yếu tố đầu vào, khi so sánh với năm 2019, giá nhiên liệu trong quý 1/2024 đã tăng 28 USD/thùng, tương đương 38,2% chi phí làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1.409 tỷ đồng.

Nếu quy đổi ra đơn vị chuyến bay, 1 USD giá nhiên liệu tăng sẽ làm chi phí chuyến bay quý 1/2024 tăng thêm 56,7 USD/chuyến. Đồng thời, tỷ giá VND/USD trong quý 1/2024 đã tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019 dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng. Tỷ giá bình quân trong quý 2/2024 tăng làm chi phí mỗi chuyến bay tăng 23 triệu đồng.

Bên cạnh đó, do nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không như thuê tàu bay, giá điều hành bay quốc tế … được thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) dẫn đến tăng chi phí cho hãng hàng không.

Thứ ba là biến động giảm về đội tàu bay. Tính đến ngày 2/5/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023. Trong đó, số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165 - 170 tàu bay, giảm khoảng 40 - 45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay này là nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Ước tính có thể ảnh hưởng đến 600 - 700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air nên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng tàu bay bắt đầu từ tháng 1/2024).

vna-vietjet-5214.jpg
Một số tàu bay của Vietnam Airlines và VietJet Air phải dừng khai thác từ tháng 1/2024

Thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài. Năm 2019 chỉ cần 75 ngày, hiện nay theo thông báo của PW cần 140 - 160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.

Cùng với đó là kế hoạch nhận tàu bay của các hãng trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay B787 vào tháng 6/2024 và tháng 7/2024, các hãng hàng không khác đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.

Pacific Airlines và Bamboo Airways đã thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện tại, Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào (giảm 10 tàu so năm 2023) và Bamboo Airways chỉ khai thác 5 tàu bay (giảm 25 tàu so với năm 2023).

Thứ tư là giá thuê động cơ và phụ tùng tàu bay. Giá thuê động cơ đối với Airbus A321 là 48.000 – 50.000 USD/tháng vào năm 2019, tăng lên 80.000 – 100.000 USD/tháng vào năm 2024. Giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160.000 USD/tháng vào năm 2022, tăng lên 370.000 USD/tháng vào năm 2024. Giá phụ tùng vật tư tăng 10 - 13% so với thời điểm trước năm 2019.

Cuối cùng là do tình hình cung - cầu của thị trường hàng không nội địa. Việc giảm cung vận tải nội địa bởi giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao do nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, tết.

Tình trạng chênh lệch cung cầu dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè 2024. Điều này cũng gây ra áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, nhất là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Ở một diễn biến khác, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu thuế, phí hiện nay không hề nhỏ khi các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, các khoản phí nêu trên là "giá dịch vụ" chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay với mức phí là 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Có thể bạn quan tâm