Trả lời Reuters, CEO Trần Ngọc Nguyên cho biết BSR hiện lên kế hoạch bán nhiều hơn mục tiêu ban đầu là 4% cổ phần,nhưng không đưa ra các mục tiêu mới. Ban đầu, thương vụ này dự kiến sẽ diễn ra vào thứ 3 (7/11) và giúp công ty thu về khoảng 80 triệu USD.
Việc bán vốn cổ phần BSR nằm trong kế hoạch cải thiện hoạt động kinh doanh của công ty này, mặc dù những kết quả hoạt động gần đây cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể.
Tính hết 10 tháng đầu năm 2017, sản lượng sản xuất của BSR đạt 4,9 triệu tấn; tiêu thụ 4,9 triệu tấn. Doanh thu đạt 63,3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7,44 nghìn tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 16,09% (9 tháng 2016 là 3,66%); tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,07% (9 tháng 2016 là 2,24%); tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 9,1% (9 tháng 2016 là 2,02%).
Đối với dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, kế hoạch tiến độ cập nhật tổng thể dự án dự kiến hoàn thành ngày 31/3/2022. Trong đó dự kiến gói thầu EPC sẽ được ký hợp đồng vào tháng 4/2018 với mốc khởi động nhà máy (ready for start-up) là 18/12/2021. Hiện tại, dự án đã được triển khai 29/78 tháng.
Trong một diễn biến gần đây, BSR cho biết, Tập đoàn Tín Thành sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần.
Trước đó, BSR được định giá kỷ lục với 72.879 tỷ đồng, tương ứng khoảng 3,2 tỷ USD. Như vậy, nếu muốn sở hữu 55% cổ phần của BSR, Tín Thành sẽ phải chi ra trê 40.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Tập đoàn Tín Thành chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng , với số vốn điều lệ này Tín Thành lấy cơ sở gì để tham vọng thâu tóm một doanh nghiệp lớn như BSR?